Những gã khổng lồ như Tesla, Uber liên tiếp dính bê bối, phải chăng bong bóng startup công nghệ sắp vỡ tung?

Gần đây, những công ty ngôi sao trong thế giới startups công nghệ liên tục đối mặt với tình trạng khó khăn trầm trọng.

Hồi giữa năm 2017, Travis Kalanick – đồng sáng lập và CEO nổi tiếng của Uber – đã chính thức rời khỏi công ty này sau thời gian dài vướng phải các bê bối quấy rối tình dục và hiệu quả quản lý kém. Uber báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ tới 4,5 tỷ USD trong năm vừa qua (năm 2016 đã lỗ 2,8 tỷ USD).

Tháng trước, Tesla – một startup công nghệ nổi tiếng khác – cũng bị nghi ngờ phá sản khi không thể tìm thêm được kinh phí để phát triển các dòng sản phẩm mới Model S và Model X của mình. Một quỹ phòng hộ thậm chí cho rằng công ty sẽ không thể tồn tại quá 4 tháng nữa.

Uber hay Tesla không phải là hai trường hợp cá biệt. Chúng ta đang chứng kiến xu hướng rõ ràng rằng dòng tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm đổ vào startup công nghệ đang trở nên rè dặt sau hơn một thập kỷ thiết lập các kỷ lục. Theo số liệu mà Venture Source thuộc Dow Jones cung cấp, giá trị đầu tư vào các startup công nghệ của các công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã giảm 30% trong những tháng đầu năm 2017 so với đầu năm 2015 .

Trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế - chính trị lan rộng trên toàn thế giới, FED tăng lãi suất khiến chi phí sử dụng đồng USD tăng lên, trong khi các startup công nghệ chưa cho thấy triển vọng lợi nhuận trong tương lai gần, dòng tiền đầu tư cho các công ty này dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm.

Trên thực tế, mặc dù phần lớn các CEO hay người sáng lập công ty công nghệ đều là những người có lý tưởng, đam mê theo đuổi tham vọng thay đổi thế giới ở một khía cạnh nào đó thông qua việc sáng tạo ra những đột phá công nghệ, thì hầu hết họ không có đủ nguồn tài trợ cho ước mơ của mình. Các nhà đầu tư cung cấp nguồn tài trợ đó. Và các nhà đầu tư thường chỉ quan tâm đến một vấn đề duy nhất, đó là lợi nhuận.

Những gã khổng lồ như Tesla, Uber liên tiếp dính bê bối, phải chăng bong bóng startup công nghệ sắp vỡ tung? - Ảnh 1.

Các công ty công nghệ trong thế kỷ này phát triển một phương pháp rất đặc trưng để hút tiền và tiêu tiền của các nhà đầu tư, đó là huy động vốn cho công ty của mình theo lộ trình nhiều vòng khác nhau. Thông thường nhà đầu tư sẽ góp vốn vào công ty khởi nghiệp qua các vòng từ ươm mầm (seed funding), cho đến các chuỗi vòng huy động vốn sau đó. Bằng cách này, các công ty khởi nghiệp khiến nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt trong những khoản đầu tư có rủi ro mất trắng cao. Ước tính chỉ riêng trong năm 2016, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót tới gần 75 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp .

Ban đầu, nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi các bức tranh tuyệt đẹp mà các CEO vẽ ra. Xu hướng cách mạng công nghệ, nền tảng ứng dụng mới, internet vạn vật (IoT), tầm nhìn làm chủ big data, … và hàng loạt các ý tưởng mới ra đời trong thời đại này hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ trong tương lai nếu dự án khởi nghiệp thành công.

Các nhà đầu tư nhận thức được và chấp nhận chuyện công ty thua lỗ trong thời gian đầu để tạo lập nền tảng. Nhưng dần dần, khi nhận thấy triển vọng lợi nhuận và tương lai thành công của các dự án công nghệ là quá xa vời so với khả năng chịu đựng và tầm nhìn của mình, một số nhà đầu tư sẽ bắt đầu buông bỏ, kéo theo một số nhà đầu tư khác bắt đầu nghi ngờ.

Khi số lượng nhà đầu tư nghi ngờ bắt đầu tăng lên, chỉ cần một vài doanh nghiệp như Tesla hay Uber thất bại cũng đều có thể là giọt nước tràn ly gây ra hiệu ứng domino làm đổ vỡ niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong nhiều năm qua, nhiều nhà đầu tư đã thông thoáng hơn khi để cho các CEO thoải mái sử dụng nguồn tài trợ của mình để đầu tư cho các ý tưởng mới. Họ không can thiệp quá sâu vào việc điều hành công ty của các CEO, vì họ tin rằng ngoài việc có nhiều tiền ra, mình không có đủ hiểu biết và sự điều hành linh hoạt với các lĩnh vực kinh doanh công nghệ cụ thể như các CEO của mình.

 

Họ cũng nhìn thấy một số tấm gương thất bại trong quá khứ khi nhà đầu tư trong hội đồng quản trị cố gắng can thiệp vào chính sách điều hành công ty. Trường hợp của Apple trong giai đoạn 1985 – 1997 là một ví dụ điển hình, khi hội đồng quản trị tin tưởng vào John Sculley và quyết định đẩy Steve Jobs ra khỏi công ty vì cho rằng các chính sách của Steve Jobs là quá mạo hiểm. Khi Jobs quay lại Apple vào năm 1997, ông đã buộc hội đồng quản trị cam kết cho ông toàn quyền định đoạt các chiến lược phát triển của công ty.

Trở lại với các công ty công nghệ hiện nay, mặc dù ý tưởng về những đột phá công nghệ là tốt đẹp, nhưng sau cùng công ty cần phải tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Việc giá cổ phiếu liên tục lập những kỷ lục mới, trong khi kết quả kinh doanh lại liên tục xuất hiện những khoản thua lỗ kỷ lục rõ ràng là một điều phi lý.

Sở dĩ các nhà đầu tư chấp nhận những điều phi lý đó là do họ vẫn còn niềm tin vào các CEO. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay niềm tin đó có thể bị đổ vỡ bất cứ lúc nào. Thế giới đang đứng trước nguy cơ bong bóng công nghệ một lần nữa.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ