Hiện nay, khi đánh giá về môi trường đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đều đồng thuận nhận xét rằng Việt Nam là “bến đỗ của sự tin tưởng và kỳ vọng”. Đánh giá này xuất phát từ những lý do rõ ràng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt thách thức khó lường, từ xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu đến những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI toàn cầu gặp nhiều biến động và chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên bất ổn. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn duy trì mức độ an toàn cao, thu được lợi nhuận và có điều kiện để phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Về bối cảnh quốc tế, thế giới tiếp tục trải qua nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù hòa bình và hợp tác phát triển vẫn là xu thế chính, nhưng những yếu tố như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn vẫn đe dọa sự ổn định. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn và thương mại quốc tế có xu hướng giảm, đặc biệt là sau các ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số cũng như nhu cầu chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã định hình lại chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn so với trước đây, trong khi thương mại và đầu tư quốc tế có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng kéo dài đến nền kinh tế của nhiều quốc gia ngay cả sau khi dịch qua đi. Kinh tế thế giới ngày càng thể hiện rõ xu hướng đa cực với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ, làm thay đổi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, đang dần tối ưu hóa quy trình sản xuất và phương thức kinh doanh. |
Công nghệ cao, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, đang dần tối ưu hóa quy trình sản xuất và phương thức kinh doanh, xác lập vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên đến đời sống xã hội buộc các quốc gia phải thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, GDP toàn cầu năm 2020 đạt 83,5 nghìn tỷ USD, giảm khoảng 3 nghìn tỷ USD so với mức 87,3 nghìn tỷ USD năm 2019. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm xuống còn 3,8% trong năm 2022, thấp hơn mức 5% của năm 2021. Năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi nhẹ với GDP tăng 3,21%, nhờ sự khởi sắc của các nền kinh tế lớn. Dự báo năm 2024 cho thấy kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro như lạm phát cao, lãi suất tăng, giảm đầu tư, và các xung đột chính trị trên nhiều khu vực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước đạt 6,21% mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 6,17% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,25%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7,11% mỗi năm. Năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng 7,47%, cao nhất trong cả giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống chỉ còn 2,9%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế.
Trong năm 2021, Covid-19 tiếp tục tác động trực tiếp và gây thiệt hại nặng nề trên mọi mặt của nền kinh tế. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Đến năm 2022, GDP Việt Nam tăng 8,02%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ 2011 đến 2022. Điều này cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
Các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn Covid-19 vẫn được bảo đảm an toàn. Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục phát triển, dù tốc độ có chậm lại. Số vốn đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động vẫn tăng, và các dự án FDI mới vẫn đổ vào Việt Nam. Những kết quả này có được nhờ môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, dù vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nhận định rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này nhờ vào độ mở của nền kinh tế, với 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết tính đến tháng 5/2024. Ba hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán, bao gồm cả các hiệp định FTA quan trọng như CPTPP và EVFTA. Tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao.
Năm 2023, Việt Nam thu hút được 39,4 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 34,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thành công này càng khẳng định vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Tính đến tháng 7/2024, Việt Nam đã thu hút được 481,326 tỷ USD vốn FDI, với 40.285 dự án còn hiệu lực. Trong đó, số vốn giải ngân đạt gần 62%, tương đương 298,366 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đối tác lớn nhất chủ yếu đến từ khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về lượng vốn đầu tư.
Các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam năm 2023
Trong năm 2023, nhiều dự án mới và các dự án điều chỉnh quy mô vốn lớn trong lĩnh vực điện tử đã được triển khai. Những dự án này góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành sản xuất điện tử và công nghệ cao tại Việt Nam.
Bên cạnh thành công trong thu hút vốn, hoạt động xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2023, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 262,6 tỷ USD, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở chiều nhập khẩu, khu vực này đạt 224,8 tỷ USD, chiếm khoảng 65% kim ngạch nhập khẩu. Khu vực FDI xuất siêu 37,8 tỷ USD.
Hoạt động xất khẩu của doanh nghiệp FDI đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm và thay đổi cơ cấu hàng hóa theo hướng hiện đại. Các doanh nghiệp cũng mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, khu vực này hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế trong thương mại quốc tế.
Các kết quả FDI tại Việt Nam cho thấy nước ta đã đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản của nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho nguồn vốn đầu tư. Thứ hai, hàng hóa sản xuất ra có thể tiêu thụ tốt, đặc biệt thông qua xuất khẩu thuận lợi. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Việc đẩy mạnh ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng vai trò quan trọng. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ mở rộng cơ hội giao thương mà còn nâng cao uy tín trong mắt các nhà đầu tư thông qua cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận diện rõ những hạn chế trong hợp tác đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào cuối năm 2023. Các vấn đề bao gồm thủ tục hành chính phức tạp, cơ sở hạ tầng thiếu hụt, nhất là tình trạng thiếu điện cục bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa mạnh, quản lý nhà nước về FDI còn bất cập và công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam đang tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung khắc phục những tồn tại này nhằm cải thiện môi trường đầu tư, từ đó nâng cao sức hút và hiệu quả hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.
Quan trọng hơn cả là sự quyết tâm của toàn thể người dân Việt Nam, cùng với toàn Đảng và toàn quân, trong việc thực hiện định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV rằng: "Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những vấn đề cấp bách đang đặt ra từ thực tiễn nóng bỏng của đất nước, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc."
Với tinh thần quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, người dân cả nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đang tràn đầy phấn khởi và tự hào, cùng nhau nỗ lực hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này hứa hẹn rằng trong thời gian tới, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng lẫn hiệu quả. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến an toàn, đáng tin cậy và thành công cho các nhà đầu tư quốc tế.
TS. Phan Hữu Thắng
Nguyên Cục trưởng cục ĐTNN Bộ KH &ĐT
Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA)
Nguồn VNBusiness