Startup công nghệ ‘hút’ dòng vốn mạo hiểm đến Việt Nam

Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới cho khởi nghiệp công nghệ khi vốn đầu tư mạo hiểm đang đổ dồn về. Với sự tham gia của các quỹ lớn như Sequoia, Greylock Ventures và Gradient Ventures, liệu Việt Nam có phải là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tiếp theo ở Đông Nam Á?

 

Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và một Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, các nhà đầu tư quốc tế và trong nước đang không ngừng đổ vốn, tìm kiếm cơ hội trong một hệ sinh thái công nghệ đầy hứa hẹn. Những cái tên đình đám như VNG, MoMo, Sky Mavis đã chứng minh tiềm năng vượt trội của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ. Với sự tham gia của các quỹ lớn, làn sóng đầu tư vào các startup Việt Nam đang bùng nổ, đánh dấu một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn.

Bà Hà Khánh Linh, nhà phân tích cấp cao của công ty đầu tư Quest Ventures cho biết ,Việt Nam là một thị trường trọng điểm. Dân số đông, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và Chính phủ ổn định là những yếu tố nổi bật khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt Quest Ventures, với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực.

Giải mã sức hút

“Với 97,4 triệu dân, trong đó 37% sống ở khu vực thành thị, Việt Nam cung cấp một lượng người tiêu dùng khổng lồ. Nhân khẩu học của Việt Nam khá thuận lợi, có lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao. Đây là một tài sản lớn cho các công ty muốn mở rộng”, bà Linh cho biết.

Về mặt kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với mức tăng trưởng GDP 8% vào năm 2022 và 5,05% vào năm 2023. Môi trường kinh doanh ổn định tại đây mang lại cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp sự tự tin vào kế hoạch dài hạn. Bà Linh lưu ý đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng liên tiếp là minh chứng cho thấy niềm tin mạnh mẽ của quốc tế vào thị trường.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài các yếu tố vĩ mô, một lợi thế đáng kể mà các nhà đầu tư nhìn thấy ở Việt Nam là cam kết mạnh mẽ và sự hỗ trợ chiến lược từ Chính phủ trong việc thúc đẩy sức mạnh của hệ sinh thái công nghệ, đơn cử như Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế được tổ chức hàng năm, các chương trình đổi mới sáng tạo riêng của các thành phố…

Không riêng Quest Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm Ascend Vietnam Ventures cũng nhìn thấy những tiềm năng cho các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam. Công ty này đã bắt đầu rót vốn vào Việt Nam từ năm 2016. Thời điểm đó, các thuật ngữ như "trái phiếu chuyển đổi", "MVP - sản phẩm khả dụng tối thiểu" và "bảng vốn hóa" vẫn còn xa lạ với những người sáng lập; còn với các nhà đầu tư, họ “chưa từng nghe đến” hoặc “được kể với sự hoài nghi” về câu chuyện công nghệ Việt Nam.

Thế nhưng đến nay, theo bà Lý Khánh Hậu, đối tác của Ascend Vietnam Ventures nói với Nikkei Asia: "Chúng ta đã chứng kiến ​​sự phát triển nhanh chóng trong nhiều năm, vượt xa cả những dự đoán lạc quan nhất”, đồng thời dẫn chứng những cái tên nổi tiếng như VNG, MoMo, Sky Mavis… và nhiều công ty khởi nghiệp khác đã thành công.

“Với điều đó, bối cảnh vốn đầu tư mạo hiểm đã thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam đã trở thành điểm đến cho vốn tư nhân tìm kiếm sự tăng trưởng của thị trường mới nổi. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào thị trường này, bao gồm những cái tên lớn như a16z, Accel, Sequoia, Greylock Ventures, Founders Fund và Gradient Ventures (quỹ AI của Google)”, nhà đầu tư cho biết.

Ascend Vietnam Ventures ước tính, số lượng nhà đầu tư hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam (tức là thực hiện ít nhất một giao dịch tại đây) đã tăng 150% từ năm 2018 đến năm 2022. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2021, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tài trợ trong nước đã vượt quá 1,4 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với bốn năm trước đó.

Về triển vọng, theo bà Lý Khánh Hậu, Việt Nam đã và vẫn có nhiều yếu tố phù hợp để trở thành bàn đạp cho sự đổi mới. Cụ thể là nền kinh tế mở và phát triển nhanh, dân số trẻ và gắn kết với kỹ thuật số, nhân tài công nghệ chất lượng cao với giá phải chăng.

Còn nhiều thách thức

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 có 10 công ty "kỳ lân" (được định giá trên 1 tỷ USD), kinh tế số đóng góp 30% vào GDP. Đây được nhận định là mục tiêu tham vọng với nhiều thách thức.

Theo đại diện Ascend Vietnam Ventures đánh giá, khả năng tiếp cận vốn của các startup Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn kém xa các nền kinh tế lớn khác của Đông Nam Á và các hệ sinh thái quan trọng bên ngoài khu vực.

Nhu cầu về lao động lành nghề trong lĩnh vực phần mềm, khoa học dữ liệu và kỹ thuật đang ngày càng tăng do sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường cũng trở thành một thách thức. 

Bên cạnh đó, về mặt quản lý, đã có tiến triển nhưng một số lĩnh vực nhất định như giáo dục công, ngân hàng và năng lượng vẫn đặt ra những rào cản tiềm ẩn cho các công ty khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Theo chuyên gia, để vượt qua những thách thức này và đạt được các mục tiêu năm 2030 sẽ cần thời gian, nỗ lực bền bỉ và tập trung chiến lược. Việt Nam cần tiếp tục chứng minh mình là một trung tâm công nghệ mới nổi trong khu vực. Việc tập trung vào tăng trưởng bền vững, khả năng đầu tư, phát triển nhân tài liên tục và hoạch định chính sách chiến lược sẽ rất quan trọng.

"Con đường hướng đến các mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 vẫn còn ở phía trước. Mặc dù chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu chúng ta có đạt được mục tiêu hay không, nhưng nhiều người vẫn chia sẻ chung quan điểm lạc quan về lâu dài, bởi vì không còn nghi ngờ gì nữa, sự bùng nổ của công nghệ sẽ đóng một vai trò tất yếu và quan trọng trong sự tăng trưởng của Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á", bà Lý Khánh Hậu nhận định.

Theo ngân hàng HSBC, Đông Nam Á đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều công ty công nghệ và kinh tế mới. Nền kinh tế số của khu vực có thể đạt giá trị 600 tỷ USD trong vòng 6 năm tiếp theo. Nền kinh tế số của Việt Nam với lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ đã tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong hai năm liên tiếp, và được dự báo sẽ tăng 11 lần, đạt giá trị 220 tỷ USD, chiếm hơn một phần ba giá trị toàn khu vực vào năm 2030.

"Kỳ lân công nghệ" là thuật ngữ dùng để chỉ các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Tại Việt Nam, VNG là công ty đầu tiên có được danh hiệu này, ngoài ra còn có VNLife, MoMo và Sky Mavis. Cho đến hiện tại, Việt Nam cũng có không ít startup tiềm năng, từng được nhận định có thể trở thành "kỳ lân" thế hệ tiếp theo như Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, KiotViet… Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động, thị trường khó khăn, "mùa đông công nghệ"... một số doanh nghiệp đã không còn duy trì được mức định giá tỷ USD. 

Đỗ Kiều

Theo VNBusiness

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ