Bài toán tìm doanh nghiệp đủ tầm dẫn dắt ngành dược trong nước

Trong chiến lược phát triển ngành dược, việc hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc ổn định cho thị trường trong nước và hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.

Cơ hội lớn của dược phẩm nội

Ngành dược đang đứng trước các cơ hội hồi phục và tăng trưởng cao. Với thị trường 100 triệu dân và tốc độ già hóa nhanh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc, dược phẩm ngày càng cao hơn, chi tiêu cho dược phẩm cũng trên đà tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tạo động lực tăng trưởng cho ngành dược trong thời gian tới, hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn. Những cơ hội này được đặt trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành.

Nhân viên làm việc tại nhà máy Imexpharm. Ảnh Imexpharm

 

Theo số liệu đến tháng 10/2024 từ Cục Quản lý dược, cả nước có khoảng 288 cơ sở sản xuất thuốc theo chuẩn nguyên tắc GMP, trong đó số lượng cơ sở đạt chuẩn EU-GMP hoặc tương đương (Japan-GMP) có khoảng 31 cơ sở, còn lại là các cơ sở đạt chuẩn WHO-GMP.

Trong tất cả các ngành công nghiệp, theo Pharma Group, ngành dược phẩm luôn có đầu tư lớn nhất vào R&D. Hàm lượng R&D của ngành dược phẩm sinh học phát minh trên thế giới lên tới 15,5% doanh thu. Xu hướng chung của ngành dược Việt Nam và thế giới là nâng cấp lên những tiêu chuẩn sản xuất cao nhất để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Thị trường dược phẩm Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt do có sự tham gia của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn, do đó, việc hình thành các doanh nghiệp dược trong nước đủ quy mô về tài chính, công nghệ càng mạnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Và khả năng cạnh tranh ở thị trường quốc tế 

Thị trường dược phẩm bước đầu đã có những thương hiệu khẳng định tên tuổi với quy mô lọt Top 10 về doanh thu như Imexpharm, DHG Pharma, Stella Pharm... Hầu hết doanh nghiệp này đều có cổ đông chiến lược ngoại nhằm tăng hàm lượng về R&D, quản trị theo mô hình quốc tế cũng như mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Do đó, các doanh nghiệp này đang đứng trước cơ hội tăng trưởng cao và mở rộng quy mô và cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Theo Cục Quản lý Dược, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 8 tỷ USD, và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lên 20 tỷ USD năm 2045, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới.

Tổng giám đốc Trần Thị Đào phát biểu tại ĐHĐCĐ Imexpharm 2024. Ảnh: Imexpharm

“Nền tảng tài chính mạnh tiếp tục giúp Công ty đầu tư vào công nghệ, bắt kịp sự thay đổi mạnh mẽ của cấu trúc thị trường dược phẩm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm nhằm vươn lên cạnh tranh ở quy mô quốc tế”, bà Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm cho biết.

Với 3 cụm nhà máy EU-GMP và 11 dây chuyền EU-GMP đang giúp Imexpharm đứng số 1 Việt Nam về thuốc kháng sinh. Imexpharm đang dẫn dắt một xu hướng mới cho thị trường dược phẩm Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh với dược phẩm ngoại.

Gần đây, Imexpharm vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 1.540 tỷ đồng, trở thành công ty có quy mô vốn điều lệ cao nhất trong ngành dược phẩm nội địa hiện nay. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành dược Việt Nam vẫn còn khá phân tán, với nhiều các công ty nhỏ có tiềm lực tài chính hạn chế. Mặt khác, nền tảng tài chính vững mạnh tiếp tục tạo điều kiện để Imexpharm đầu tư mạnh mẽ hơn vào R&D, sản xuất dược công nghệ cao, dược phát minh, góp phần vào chiến lược đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho thị trường trong nước.

Theo Báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu 9 tháng đầu năm của Imexpharm tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.553 tỷ đồng, hoàn thành 66% mục tiêu doanh thu của năm, đưa Công ty tiến sát tới mục tiêu cuối năm. Lợi nhuận trước thuế trong tháng 9 tăng trưởng ngoạn mục 42% so với cùng kỳ năm trước và 43% so với tháng 8. Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng; lần lượt tăng 19% và 12% so với năm trước.  

Với sự thuận lợi trong tăng trưởng, trong 9 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đã ra mắt 16 sản phẩm mới với 99 dự án R&D đang triển khai. Nhờ cung cấp thuốc đặc trị chất lượng, giá thành hợp lý, Công ty đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện, giúp tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và tạo ra rào cản đối với các hãng dược nước ngoài. Cùng với 3 cụm nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP, để đón đầu tăng trưởng, Imexpharm cũng đã công bố kế hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp.

“Về dài hạn, Công ty sẽ đẩy mạnh phát triển thêm các sản phẩm mới có nhu cầu cao, phức tạp và khó sản xuất. Hướng đi đầu tư cho công nghệ cao và dược phẩm phát minh của các công ty dược như Imexpharm góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm khu vực”, lãnh đạo Imexpharm cho biết.

Theo Báo Đầu Tư

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ