Trái phiếu bất động sản hấp dẫn trở lại

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sơ cấp có lãi suất tăng trên diện rộng và trái phiếu bất động sản thu hút nhà đầu tư.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang ở mức hấp dẫn trong mối tương quan với lãi suất tiền gửi ngân hàng

Một số lô trái phiếu có lãi suất cao

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong quý III vừa qua có 276 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 114.460 tỷ đồng, giảm 15,1% so với quý II, nhưng tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù giá trị phát hành trái phiếu trong quý III/2024 thấp hơn so với mức đỉnh 3 năm trong quý II/2024, nhưng kết quả này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới hồi phục và hoạt động kinh doanh bất động sản còn yếu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 282.800 tỷ đồng, tăng 84,4% so với cùng kỳ và gần bằng tổng giá trị phát hành trong năm 2023.

Số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong quý III/2024 là 6,68%/năm, tăng 0,06%/năm, tương đồng với đà tăng của lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn là nguyên nhân chính dẫn đến mặt bằng lãi suất đi lên, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách theo hướng giữ lãi suất ở mức thấp nhằm góp phần ổn định và phục hồi kinh tế.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân trong quý III/2024 là 3,66 năm, giảm so với quý II, riêng kỳ hạn phát hành của nhóm ngân hàng tăng nhẹ

Đáng chú ý, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp địa ốc có lãi suất cao, trở nên hấp dẫn trong mối tương quan với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Triển vọng tăng trưởng tín dụng và tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi cho trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng hồi phục.

Chẳng hạn, 2 công ty con của Vinhomes là Công ty Bất động sản Hải Đăng phát hành 2.850 tỷ đồng trái phiếu, Công ty Bất động sản Trường lộc phát hành 1.910 tỷ đồng trái phiếu, các trái phiếu này có kỳ hạn 1 - 1,5 năm, lãi suất 10 - 12%/năm. Tính chung, 9 tháng đầu năm 2024, giá trị phát hành trái phiếu của Bất động sản Hải Đăng là 5.350 tỷ đồng, của Bất động sản Trường Lộc là 1.910 tỷ đồng, còn Vinhomes phát hành 12.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất trung bình 12%/năm.

Một số doanh nghiệp khác phát hành trái phiếu quy mô lớn với lãi suất cao thời gian qua là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Phát Đạt, với 3.490 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn phát hành 1.890 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất năm đầu 9,8%/năm, các năm tiếp theo bằng lãi tiền gửi 12 tháng cộng biên độ 4,7%...

Ở các nhóm ngành khác, lãi suất trái phiếu mới phát hành cũng ở mức cao so với lãi tiền gửi ngân hàng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A phát hành 1.096 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,5%/năm; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,2 - 10,5% năm đầu, các năm tiếp sau bằng lãi tham chiếu cộng 4%; Công ty cổ phần Kinh doanh F88 phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 11%/năm; Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,5%/năm…

Lãi suất trái phiếu của nhóm ngân hàng vốn được đánh giá là an toàn cũng tăng theo thị trường chung. Trong số các trái phiếu do ngân hàng phát hành tháng 8/2024, 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi VietinBank, TPBank, Agribank, LPBank, HDBank, BIDV. Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8,1 năm và lãi suất từ 5,5 - 7,6%/năm trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 5,2 - 7,7%/năm.

Kể từ đầu năm 2024 tới nay, ngân hàng vẫn là nhóm chiếm tổng khối lượng phát hành lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất trung bình ở mức thấp nhất, khoảng 4 - 6%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đẩy mốc lãi suất trái phiếu trên 6%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi khách hàng. Thậm chí, một số nhà băng phát hành trái phiếu với lãi suất 7 - 8%/năm như BVBank, HDBank, LPBank, BAOVIET Bank.

Kỳ vọng thị trường sôi động cuối năm

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm Phân tích, VIS Rating cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Kể từ sau giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản và chậm trả gốc/lãi tăng mạnh từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, tâm lý thị trường đã tích cực hơn, chủ yếu nhờ các chính sách liên quan đến hoạt động giải quyết nợ xấu. Từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã thực hiện kéo dài ngày đáo hạn, phần lớn gia hạn thêm khoảng 22 tháng, sau khi đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Nhiều tổ chức phát hành có mức vay nợ cao và sức khỏe tài chính yếu, gồm cả những doanh nghiệp mới thành lập mà không có hoạt động kinh doanh cốt lõi, dòng tiền kinh doanh hạn chế và liên quan đến các dự án bất động sản đã tránh được tình trạng chậm trả gốc/lãi trái phiếu nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Với tỷ lệ chậm trả trái phiếu giảm và tỷ lệ thu hồi chậm trả tăng lên, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư dần có tâm lý lạc quan và chủ động thích ứng với yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng phát hành trái phiếu đạt 298.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu bởi khối ngân hàng và bất động sản. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn kể từ khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được triển khai vào tháng 7/2023.

Mức chênh lệch lợi suất giao dịch của các trái phiếu của tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng “trung bình” so với trái phiếu chính phủ trong năm 2024 đã giảm hơn 2% so với giai đoạn quý IV/2022 - quý II/2023.

“Chúng tôi nhận thấy, giai đoạn tồi tệ nhất của đợt khủng hoảng thanh khoản từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023 đã qua và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, được đánh dấu bởi các quy định chặt chẽ hơn và tâm lý thị trường dần được cải thiện”, ông Lương nói.

Nhìn về các tháng cuối năm 2024, Fiin Rating cho rằng, triển vọng tăng trưởng tín dụng và tỷ giá tạo điều kiện thuận lợi cho trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng tiếp tục hồi phục.

Cụ thể, tỷ giá diễn biến tích cực khi trong cuộc họp tháng 9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm. Đây là yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong nước sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bán đồng USD do nhu cầu rút vốn cao của khối nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước dừng hút ròng qua kênh tín phiếu sau phiên chào thầu vào ngày 23/8. Dự báo, trong thời gian tới, áp lực tỷ giá sẽ giảm thêm, tạo điều kiện cho cơ quan này mua bổ sung dự trữ ngoại hối.

Một tác động khác là việc lãi suất USD giảm sẽ hỗ trợ chi phí vay quốc tế. Các doanh nghiệp không thực hiện phòng vệ tỷ giá (hedging) sẽ hưởng lợi khi lãi suất USD giảm, tác động trực tiếp đến lãi suất khoản vay (lãi suất thả nổi SOFR cộng biên độ). Ngoài ra, tỷ giá thấp hơn cũng tạo điều kiện cho hoạt động vay vốn/ chào bán trái phiếu quốc tế sắp tới.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành loại chứng khoán nợ này trong những tháng cuối năm 2024. Do đó, hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất trái phiếu dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Lãi suất trái phiếu của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đang ở vùng đáy và lãi suất huy động dần tăng lên.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ