Vàng đang ở "chu kỳ tăng giá mới" sau khi lập đỉnh giá, đại diện công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management nhận định và đồng tình với các nhà phân tích khác rằng vàng miếng sẽ tiếp tục lập các kỷ lục giá mới.
Vàng được dự báo cán mốc 3.000 USD/ounce trong 6 đến 9 tháng tới. Ảnh: AFP |
"Vàng đã bước vào chu kỳ tăng giá mới, được thúc đẩy bởi các yếu tố như hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, nợ của Mỹ tăng cao và đồng đô la Mỹ có khả năng đạt đỉnh", ông Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott Asset Management, nhận định sau khi giá vàng thế giới lập kỷ lục mới là 2.700 USD/ounce vào ngày 21/10.
Vàng giao ngay hiện giao dịch ở mức 2.729,14 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn ở mức 2.741,20 USD/ounce.
"Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ tăng lên mức lịch sử đã dẫn đến giá vàng tăng cao do lo ngại về tính bền vững của nợ, phá giá tiền tệ và tiền tệ hóa nợ", ông Wong đánh giá.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tínhnợ công sẽ tăng từ mức 98% GDP vào năm 2023 lên 181% GDP vào năm 2053, mức cao nhất trong lịch sử của xứ cờ hoa.
Ông Wong lý giải rằng khi nợ tăng lên, các chính phủ có thể phải in tiền để giải quyết thâm hụt, điều này có thể làm mất giá đồng tiền. Sự xói mòn niềm tin vào tiền pháp định làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản lưu trữ giá trị đáng tin cậy.
Áp lực lạm phát dai dẳng và điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn đang gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu. Do đó, các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư có nhiều khả năng phân bổ dòng tiền vào vàng, ông Wong nhận định.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trong nửa đầu năm 2024 đã tăng lên 483 tấn, cao hơn 5% so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào nửa đầu năm 2023.
Một nhóm ngày càng đông các nhà phân tích đã dự đoán rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng và cán mốc 3.000 USD/ounce, trong khi một số người dự đoán vàng sẽ vượt mốc 2.800 USD/ounce trong 3 tháng tới.
Giá vàng "có vẻ đang tốt hơn bao giờ hết", theo ông Michael Widmer, chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America. "Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần hơn đến mức 3.000 USD”, ông Widmer nói.
Chiến lược gia hàng hóa của Bank of America cho biết mức nợ chính phủ Mỹ tăng cao và bất ổn địa chính trị đang nổi lên là lý do cho triển vọng lạc quan của mình.
Những tuyên bố từ Israel và các lực lượng Hamas và Hezbollah rằng sẽ tiếp tục chiến đấu ở Dải Gaza và Lebanon, đã làm giảm hy vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng thường khiến các nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, bởi nó xuất phát từ mong muốn phòng vệ trước rủi ro và bất ổn trên thị trường toàn cầu.
Các nhà phân tích của Citigroup cũng giữ nguyên quan điểm rằng vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce trong 6 đến 9 tháng tới. Họ cảnh báo, nếu giá dầu tăng đột biến do chiến sự leo thang trong ngắn hạn ở Trung Đông, giá vàng sẽ tăng theo.
Theo Citigroup, mặc dù nhu cầu vàng bán lẻ của Trung Quốc giảm trong 3 tháng qua, giá vàng vẫn "cực kỳ tốt", nó cho thấy người mua sẵn sàng trả giá cao hơn.
Trong khi đó, ông Vivek Dhar, nhà phân tích của Ngân hàng Commonwealth (Australia) cho rằng giá vàng trung bình sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong quý IV năm tới do "sự suy yếu dai dẳng của đồng đô la Mỹ".
Tuy nhiên, ông Dhar kỳ vọng giá vàng trung bình đạt 2.800 USD/ounce trong quý này. Tương tự, Citigroup cũng cho rằng giá vàng sẽ đạt mức 2.800 USD/ounce trong 3 tháng tới.