Ông Lê Như Ái - nhà sáng lập, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn: "Tôi mong muốn đóng góp cho xã hội 800 công dân tốt"

Hơn 10 năm "lùi vào hậu trường", nhường quyền điều hành công ty cho con trai Lê Như Vũ, người sáng lập và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa) Lê Như Ái từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới. Thế nhưng khi đề nghị trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn, ông đã nhận lời...

Doanh nhân Lê Như Ái bộc bạch:

- Lâu rồi không xuất hiện trên báo chí nhưng khi nghe đề nghị của Doanh Nhân Sài Gòn, tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm. Năm 1990, khi Nhà nước mở cửa cho kinh tế tư nhân tham gia thị trường, rồi có Luật Doanh nghiệp tư nhân, tôi là lớp doanh nhân tư nhân đầu tiên của quận Gò Vấp hoạt động theo luật này. Dù vậy, những năm đầu thập niên 1990, tiếng nói của doanh nhân tư nhân vẫn còn dè dặt. Đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan quản lý cũng còn tâm lý e dè đối với doanh nghiệp tư nhân. Trong buổi đầu ấy, có vô vàn khó khăn nhưng doanh nhân không biết tỏ cùng ai và cũng không biết ai sẽ nghe mình. Vì vậy, khi chị Nguyễn Minh Hiền (cố Tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn) chia sẻ nguyện vọng muốn thành lập tờ báo cho giới doanh nhân, để doanh nhân được cất lên tiếng nói, tôi và một số anh chị em lúc đó ủng hộ ngay vì chạm đến nhu cầu cần thiết. 

Thời điểm đó, tôi đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội, anh Trần Hồi Sinh là Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, anh Nguyễn Trường Cổn phụ trách Bản tin Công Thương, chị Cao Thị Ngọc Dung (PNJ) và một số anh chị em doanh nhân thân hữu đã cùng chung tay, quyết tâm cùng chị Minh Hiền đưa Bản tin Công Thương thành tuần báo Doanh Nhân Sài Gòn. Có lẽ tôi và chị Minh Hiền hợp nhau nên hằng đêm, chị gọi điện thoại cho tôi trao đổi hết ý tưởng này đến vướng mắc khác, có hôm trò chuyện hằng giờ.

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến Doanh Nhân Sài Gòn, tôi lại nhớ những ngày ấy, nhớ đến chị Minh Hiền với tình cảm trân quý, nể phục. Dù không phải doanh nhân nhưng chị không khác nào một doanh nhân, chị cùng thở hơi thở của doanh nhân và sống cuộc sống của doanh nhân.

-7414-1681184895.jpg
 

* Kinh tế TP.HCM có được thành quả hôm nay, không thể phủ nhận sự đóng góp của thế hệ doanh nhân tư nhân thời kỳ đầu. Vì thế, chúng tôi rất muốn nghe chuyện kể của ông về buổi đầu gian khó ấy...

- Khi Nhà nước nhìn nhận vai trò kinh tế tư nhân, tôi mừng lắm và mạnh dạn kinh doanh. Nhưng khi vào cuộc mới thấy rất nhiều khó khăn, bất cập về chính sách, thủ tục. Chỉ riêng việc xin giấy phép thành lập công ty sản xuất nước uống tinh khiết Sapuwa đã vô cùng nhiêu khê, vì theo quy định, phải có sản phẩm trước thì mới được cấp giấy phép. Mà chưa có phép thì làm sao sản xuất và có sản phẩm.

Khi hồ sơ của tôi được sự "ủng hộ xé rào" của các lãnh đạo quận Gò Vấp, cụ thể là anh Nguyễn Trường Cổn đang là Phó chủ tịch UBND Gò Vấp phụ trách về kinh tế ủng hộ, ký duyệt chuyển lên Sở Công nghiệp. Phó giám đốc Sở Công nghiệp phụ trách lúc đó là chị Tống Thị Thanh Tuyền hiểu bất cập và sau hồi trầm ngâm, chị chặc lưỡi ký giấy và chuyển hồ sơ của tôi lên UBND TP.HCM cấp phép. Lúc đó, anh Ba Huấn (Nguyễn Văn Huấn), là Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cũng mạnh dạn"xé rào", nên tôi mới được cấp phép.

Sau này có dịp gặp lại anh Ba Huấn, anh nói: "Lúc đó, anh ký cho chú mày là "ký bậy" chứ quy định không có sản phẩm thì không được cấp phép". Đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động khi nhớ lại "cái chặc lưỡi" đầy sự thấu hiểu của chị Tuyền và việc "ký bậy" của anh Ba Huấn. 

Thời đó, trong số ít lãnh đạo và cán bộ có tâm với doanh nghiệp thì cũng có không ít người làm việc theo nguyên tắc một cách cứng nhắc, vô cảm, chỉ biết làm việc theo một công thức định sẵn an toàn mặc dù biết là vô lý và vì nhiều lý do nên cứ đẩy hết khó khăn cho doanh nghiệp. 

Sau khi có giấy phép, hành trình gian nan lại tiếp tục, nào là quy định mua máy fax, điện thoại phải được phép của công an thành phố. Những khi chưa được phép mua máy fax, muốn thông tin bằng fax thì phải ra bưu điện thành phố, (không có ở bưu điện quận huyện) xin form mẫu khai nội dung, trả phí cho bưu điện, chờ duyệt nội dung... rồi mới được fax qua, fax lại, tốn rất nhiều thời gian.

Khi vào sản xuất, lại "té ngửa" vì Việt Nam không in được nhãn mác trên giấy nhựa, không có chai PET để đựng nước, mà phải in và nhập ở nước ngoài. Muốn nhập chai PET và nhãn mác, phải lên Sở Kinh tế đối ngoại nộp mẫu đăng ký, xin giấy phép, ra sân bay hoặc bến cảng làm thủ tục nhập... Điều đáng nói là mỗi công đoạn xin phép đó chỉ được dùng một lần, nếu lần sau muốn nhập tiếp thì phải làm lại các bước quy trình xin phép y như lần đầu. Lúc đó, Nhà nước cũng không có giá nhập chai PET nên giá thuế nhập khẩu cũng bị áp ở mức cao nhất. Khi hàng nhập về sân bay hoặc cảng Sài Gòn, thủ tục nhập rất lâu và rối rắm. Tôi cứ như trên đống lửa vì kho bãi của các nơi đó sân nóng hầm hập, chai và nhãn mác lại bằng nhựa để lâu sẽ bị quéo lại, phải vứt đi. Tốn kém thật không nhỏ.

* Đó là lý do hai năm đầu Sapuwa lỗ nặng. Tôi được biết thông tin này qua một bài báo của Doanh Nhân Sài Gòn lúc đó...

- Đúng. Hai năm đầu tôi lỗ triền miên, cứ cuối tháng là phải bán vàng dành dụm để trả lương công nhân. Do thị trường nước tinh khiết còn rất mới, lại được xem là xa xỉ phẩm nên bán không ai mua. Thị trường chỉ có một số nước tinh khiết nhập khẩu từ Indonesia - hiệu Aqua nên các đại lý, khách sạn, nhà hàng... yêu cầu tôi phải ghi sản xuất ở nước ngoài mới bán được. Là người khởi xướng ra phong trào sản xuất nước tinh khiết để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và xây dựng thương hiệu cho nước tinh khiết Việt Nam, tinh thần tự hào dân tộc của tôi lớn lắm, nên nhất quyết chỉ ghi "made in Vietnam" và quyết tâm làm đến cùng, kể cả khi lỗ lã, trong khi đó nhân viên nối tiếp nhau nghỉ việc vì... bán nước Sapuwa khó quá. Xét về tầm nhìn, niềm tin và bí quyết thành công là dám tiên phong đi trước, tôi tin thị trường nước tinh khiết với nhu cầu sử dụng sẽ rất lớn.

* Nhớ lại thời kỳ đầu của kinh tế tư nhân, một số doanh nhân bị vướng vòng lao lý và nhiều người cho rằng, đó là ... lỗi của việc "đi trước"?

- Lớp doanh nhân thời kỳ đầu mở cửa gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, một số muốn "đi trước" đã vượt khỏi quy định nên bị quy là phạm tội. Có thể lúc đó họ sai nên bị tù tội nhưng nếu ở thời điểm này, đôi khi lại đúng. 

* Nếu chia sẻ niềm tự hào khi theo đuổi mục tiêu xây dựng thương hiệu nước tinh khiết made in Vietnam, ông sẽ nói gì?

- Cách đây hơn 20 năm, trong một lần báo chí phỏng vấn đại sứ Indonesia tại Việt Nam về thành tựu kinh tế Việt Nam, vị đại sứ này đã đánh giá rất cao sự thay đổi của kinh tế Việt Nam và TP.HCM. Ông dẫn chứng: "Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào sản xuất, kinh doanh, tạo được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ví dụ trước đây, các bạn phải nhập một số lượng rất lớn nước tinh khiết đóng chai của Indonesia nhưng bây giờ không còn nhập nữa. Dù Indonesia bị mất đi một khoản thu lớn nhưng tôi vẫn không thể không ghi nhận nỗ lực này của các bạn". 

Một niềm tự hào nữa, tôi là người tiên phong sản xuất nước tinh khiết và cũng từ đó khơi mào cho thị trường nước tinh khiết sôi động tại TP.HCM, kéo theo  nhiều lĩnh vực khác phát triển theo, như doanh nghiệp ngành nhựa PET, in ấn... Những doanh nghiệp ấy nhận ra cơ hội và thị trường nên đầu tư, học hỏi kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đã sản xuất, cung ứng từ chai PET đến nhãn mác có chất lượng rất cao. 

* Có nhiều người kinh doanh khá nhiều lĩnh vực, riêng ông chỉ chuyên tâm vào việc xây dựng nhà xưởng nước tinh khiết đóng chai với hết tiêu chuẩn này đến tiêu chuẩn khác...

- Người xưa đã dạy cái gì biết đủ là đủ. Sự ham muốn của con người là vô cùng nhưng sống phải biết đủ và biết dừng. Với công việc đã chọn và có mục tiêu rõ ràng, tôi luôn chuyên tâm làm cho tốt. Ngay từ khi mới kinh doanh, tôi đặt ra mục tiêu nước tinh khiết của Sapuwa phải đạt chất lượng cao nhất và chỉ cần mang lại giá trị và niềm vui, sức khỏe cho 300 gia đình là tốt rồi, chứ không có tham vọng to tát là cho cả người dân thành phố này sử dụng. Vì vậy, khi Việt Nam còn xa vời tiêu chuẩn ISO, HACCP (hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm) và GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong các ngành dược phẩm, thực phẩm), ngay từ đầu tôi đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất và triển khai các hệ thống này một cách nghiêm túc nhà xưởng rất bài bản. Biết mình không có nhiều kiến thức chuyên môn, không nhiều tiền, công ty cũng còn nhỏ nên ngay từ đầu, tôi chuyên tâm đầu tư cho chất lượng nước tinh khiết để tồn tại và cạnh tranh. Và đến bây giờ, trong một thế giới cạnh tranh quá khốc liệt, tôi thấy mình đã đúng và  chất lượng chính là vũ khí để Sapuwa đã vượt qua không ít đối thủ nước ngoài, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.  

Song điều đáng buồn và cũng là cái khó của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là khi nói đến chất lượng, ai cũng mong được dùng sản phẩm tốt, nhưng khi mua thì lại so sánh giá hoặc nếu chịu mua giá cao thì lại chọn thương hiệu nước ngoài, chọn sản phẩm có quảng cáo nhiều, khuyến mãi nhiều. Nhưng họ không biết, giá của sản phẩm khuyến mãi đều được cộng vào chi phí mua hàng của người tiêu dùng.

* Trong 4 tiêu chí "sạch" của Sapuwa, có tiêu chí "người sạch". Vì sao ông lại cho rằng một tổ chức muốn phát triển mạnh và có văn hóa thì phải có những con người "sạch"?

- Con người "sạch" là người sống lương thiện và ứng xử tử tế. Trong công ty, những con người "sạch" sẽ tạo được không khí làm việc tích cực, đoàn kết, không đố kỵ, bè phái. Tại Sapuwa, văn hóa doanh nghiệp được tôi xây dựng, giáo dục từng chút và đưa vào nếp ngay từ buổi đầu. Tôi dạy cho nhân viên cách đi đứng, ứng xử trên đường phố, ứng xử với người xung quanh, ứng xử khi bán hàng, ứng xử với đồng nghiệp...

Để xây dựng văn hóa ở Sapuwa, tôi tổ chức rất nhiều hoạt động, như ngay trong công ty có dịch vụ làm móng tay, gội đầu, hớt tóc miễn phí cho công nhân; xây dựng tủ sách cho mọi người vào đọc khi rảnh rỗi, có truyền hình cáp để công nhân giải trí, mở mang với thế giới bên ngoài và bàn bi da, banh bàn, bóng bàn, cờ tướng... chơi miễn phí vừa lành mạnh, vừa để không còn thời gian cho các nhân viên nam ra ngoài ăn nhậu...

Với tôi, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng quan trọng như xây dựng chất lượng sản phẩm. Bởi văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng để tạo ra môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy yêu thích, muốn đến, muốn làm, muốn gắn bó. Ở Sapuwa, tôi đã tạo ra 200 con người đàng hoàng, rộng ra có 200 gia đình có văn hóa. Nếu mỗi gia đình có 4 thành viên, có nghĩa tôi đã đóng góp cho xã hội 800 công dân tốt. 

* Không ít doanh nhân chia sẻ nỗi buồn vì con cái không chịu kế nghiệp, ông lại may mắn hơn. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao thế hệ...

- Việc chuyển giao thế hệ rất khó. Tôi từng nghe nhiều bạn bè doanh nhân chia sẻ nỗi buồn khi không có người kế thừa, trong đó có anh Tiến Đạt - một người bạn thân. Anh Đạt tâm sự, có mấy đứa con nhưng không đứa nào muốn nối nghiệp cha nên thương hiệu Tiến Đạt nổi tiếng một thời bị mất và còn nhiều thương hiệu cũng đang mất vì không có người kế nghiệp đủ tầm.

Riêng tôi, cách đây 33 năm, khi làm lễ động thổ xây nhà máy, tôi đã tâm nguyện để sự nghiệp sau này cho con kế tục và âm thầm chuẩn bị, khi đó con tôi mới 5 tuổi.

Mong muốn là vậy nhưng tôi không bao giờ áp đặt và bắt buộc vì con phải thích thì mới làm được. Khi Vũ đi học nước ngoài, ban đầu chọn học ngành điện tử, tôi cũng không ý kiến. Nhưng sau đó Vũ tự chuyển sang học quản trị kinh doanh và "yêu dần" Sapuwa, tôi lại mừng. 

-9799-1681184895.jpg
 

Khi thấy con bắt đầu quan tâm đến công ty, những gì diễn ra ở Sapuwa, tôi đều gửi ra nước ngoài cho con góp ý. Tôi lập ra một ban điều hành, cho họ chủ động điều hành công ty. Mỗi năm, tôi thuê kiểm toán nước ngoài để biết con số lời, lỗ thật. Sau đó, công khai tài chính và trích 40% lợi nhuận sau thuế cho ban điều hành, tùy theo đóng góp nhiều ít, mỗi thành viên sẽ được thưởng đúng công sức của họ. Mục đích tôi lập ra ban điều hành là để quản lý công việc khi không có tôi. Nhưng sâu xa hơn là để sau này khi Vũ kế thừa đã có bộ máy trơn tru để dễ làm việc.

Khi Vũ đi học về, tôi chưa cho vào công ty làm ngay mà để con tự đi xin việc. Tôi muốn con cọ xát với bên ngoài và không ảo tưởng cứ đi du học về là giỏi, là có thể làm được tất cả. 

Sau khi Vũ về công ty làm việc, tôi cho con làm ở từng vị trí, hơn hai năm mới lên làm phó tổng giám đốc và chỉ được phụ trách một số việc để không làm xáo trộn dàn quản lý đang chạy việc và cũng là cách chuẩn bị tâm lý cho người cũ sau này sẽ làm việc với Vũ.

Kinh nghiệm tôi đã làm, đó là khi giao việc phải kèm theo trao quyền và cho con được tự quyết, tự làm. Mình chỉ là người đứng ngoài theo dõi, nếu thấy con đi sai hướng hoặc có quyết định chưa đúng thì tìm cách trao đổi, góp ý. Quản trị công ty gia đình nhưng đừng để ai nhìn vào cũng biết công ty gia đình. Dù là con cái nhưng ai sai thì phải xử lý nghiêm khắc theo nguyên tắc "pháp bất vị thân". 

* Biết ông đã "lui vào hậu trường" nhưng tôi vẫn muốn hỏi, doanh nghiệp tư nhân cần có thêm "đôi cánh" nào để đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước?

- Nên tư nhân hóa tối đa các hoạt động của kinh tế, trừ an ninh quốc phòng, quốc kế dân sinh thì Nhà nước phải kiểm soát, còn tất cả nên cho tư nhân làm. Những quốc gia phát triển, Chính phủ chỉ quản lý chứ không can thiệp. Và doanh nghiệp cũng chỉ sợ thuế chứ không sợ công an vì họ làm theo luật. Muốn làm như họ thì chính sách pháp luật phải hoàn thiện, phải đi trước.

Hiện nay, chính sách Nhà nước cũng đã quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tư nhân lại lợi dụng luật sơ hở để làm sai nên người tốt cũng bị ảnh hưởng. 

Vì thế, muốn Nhà nước cởi trói doanh nghiệp tư nhân mạnh hơn thì mỗi doanh nghiệp tư nhân phải hoàn thiện mình, làm ăn đàng hoàng, tạo được niềm tin thì Nhà nước mới cởi trói được. Ngược lại, Nhà nước phải có chính sách rõ ràng. Nên chăng, Nhà nước phân loại doanh nghiệp theo từng cấp độ để  quản lý và áp dụng chính sách riêng để khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tốt.. Ví dụ, một doanh nghiệp đàng hoàng thì được hưởng chính sách khác, chứ áp dụng chung chính sách, quy định chung cho cả doanh nghiệp tốt, xấu, chấp hành và cố làm sai luật thì không tạo được sự phát triển cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Đôi khi kéo theo sự trì trệ, chậm chân của họ trong kinh doanh. Ví dụ, ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp có bề dày, không vi phạm, nhiều năm đóng thuế đàng hoàng thì họ được tin và được quyền tự khai quyết toán thuế, không phải qua nhiều khâu kiểm soát, nhưng dĩ nhiên phải có giám sát và có thể kiểm tra lại bất cứ lúc nào. Tóm lại, khi phân loại doanh nghiệp A, B, C, để quản lý, Nhà nước và cơ quan quản lý cũng sẽ nhẹ bớt, chỉ dành thời gian tập trung quản lý các công ty hạng C. Muốn thế, phải có sự vận hành theo một quy trình rất nghiêm khắc và đồng bộ. 

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ