Khởi nghiệp ở đất nước lạm phát 231 triệu %, người đàn ông này vẫn tìm ra cơ hội, trở thành tỷ phú đôla và được ông Obama hết lời ca ngợi

Theo ước tính của Forbes, tổng tài sản của ông tỷ phú đôla Strive Masiyiwa tính đến tháng 3/2018 lên tới 1,4 tỷ USD.

Nhắc đến Zimbabwe, nhiều người sẽ liên tưởng đến một quốc gia đói nghèo với cuộc khủng hoảng kinh tế sau thập niên 2000. Cuộc chiến tranh giai đoạn 1998-2002 khiến Zimbabwe có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 95%. Tỷ lệ lạm phát của nước này đạt tới 231 triệu % vào năm 2008 và chính phủ buộc phải từ bỏ đồng nội tệ để sử dụng đồng USD và các ngoại tệ mạnh khác trên thị trường.

Trớ trêu thay, chính thị trường tài chính khó khăn này lại thúc đẩy ngành thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và khởi nghiệp. Một trong những người giàu nhất Zimbabwe, và có thể coi là cả châu Phi, tỷ phú Strive Masiyiwa là người sáng lập tập đoàn công nghệ viễn thông Econet Wireless và hiện có khối tài sản lên tới 1,4 tỷ USD theo ước tính của tạp chí Forbes.

Nhà khởi nghiệp này không chỉ nổi tiếng với sự hào phóng, cấp học bổng cho hơn 100.000 thanh thiếu niên châu Phi trong 20 năm qua cũng như hỗ trợ 40.000 trẻ em mồ côi mà còn là người tiên phong trong lĩnh vực phi tiền mặt của Zimbabwe.

Khởi nghiệp ở đất nước lạm phát 231 triệu %, người đàn ông này vẫn tìm ra cơ hội, trở thành tỷ phú đôla và được ông Obama hết lời ca ngợi - Ảnh 1.

Tỷ phú Strive Masiyiwa và Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama

Vươn lên làm giàu cho đất nước

Strive Masiyiwa sinh tại Zimbabwe năm 1961 nhưng theo học ở Anh từ những năm còn nhỏ. Ông có bằng cử nhân công nghệ điện của trường đại học Wales. Năm 1984, ông trở về quê hương để đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn làm việc trong ngành viễn thông, ông đã quyết định bỏ việc và khởi nghiệp công ty riêng của mình với vỏn vẹn 75 USD.

Chỉ 5 năm sau đó, ông Masiyiwa đã xây dựng được một đế chế hùng mạnh trong ngành điện năng. Kể từ đây, nhà tỷ phú này hướng sang nền công nghiệp viễn thông đầy tiềm năng khi người dân Zimbabwe vẫn còn nghèo. Dẫu vậy, sự cản trở của chính quyền cũng như độc quyền kinh doanh trong ngành đã khiến Masiyiwa gần như phá sản sau hàng loạt những vụ kiện cáo.

Cuối cùng nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, chính sách độc quyền kinh doanh viễn thông tại Zimbabwe đã được dỡ bỏ và công ty của Masiyiwa chính thức tiếp cận thị trường này vào năm 1998.

Khởi nghiệp ở đất nước lạm phát 231 triệu %, người đàn ông này vẫn tìm ra cơ hội, trở thành tỷ phú đôla và được ông Obama hết lời ca ngợi - Ảnh 2.

Trong cái dở cũng có cái may, việc Masiyiwa đấu tranh chống độc quyền khiến danh tiếng của ông lan rộng, kích thích công việc trong mảng viễn thông. Hàng nghìn người đã ủng hộ công việc kinh doanh của Masiyiwa trước thái độ ủng hộ mở cửa thị trường và tự do thương mại. Hiện nay Econet Wireless đã trở thành tập đoàn có mức vốn hóa lớn thứ 2 đất nước.

Mặc dù vậy, Masiyiwa vẫn rời Zimbabwe vào năm 2000 để chuyển công ty đến Nam Phi kinh doanh nhằm tránh những rắc rối không đáng có về pháp lý. Ông tạo nên tập đoàn Econet Wireless ở Nam Phi, một công ty viễn thông tách biệt với doanh nghiệp trước đó ở Zimbabwe và cũng chuyên kinh doanh mảng viễn thông.

Kể từ đây, ông Masiyiwa bắt đầu gây dựng đế chế mới của mình, chỉ trong 10 năm hoạt động tập đoàn Econet đã lan ra hơn 20 thị trường, bao gồm cả các quốc gia lớn như Anh, Mỹ, Trung Quốc…

Trớ trêu thay, dù Econet đã rời khỏi Zimbabwe nhưng tầm ảnh hưởng của công ty ngày càng lan rộng. Cuối năm 2005, Econet đã phát triển mô hình thanh toán trực tuyến, chuyển tiền qua điện thoại giúp các tổ chức phi chính phủ chuyển khoản cho những người chạy nạn do chiến tranh.

Kể từ đây, mô hình thương mại điện tử của Econet bùng nổ dữ dội khi các nhà hảo tâm và tổ chức xã hội tìm thấy lựa chọn mới cho việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Hơn nữa, hệ thống tài chính khủng hoảng khiến mô hình tiền tệ của Zimbabwe lâm vào bế tắc.

Việc thiếu đồng USD cho thanh toán cũng như các đồng tiền mệnh giá nhỏ khiến người dân gặp nhiều khó khăn và hệ thống chuyển tiền trực tuyến trở thành giải pháp đầy thu hút.

Tính đến năm 2014, khoảng 43% GDP của Zimbabwe có liên quan đến hệ thống thanh toán trực tuyến của Econet. Với đà phát triển như hiện nay, tờ "The Guardian" nhận định rất có thể Zimbabwe sẽ trở thành một trong những thị trường phi tiền mặt đầu tiên trên thế giới ở tương lai không xa.

Khởi nghiệp ở đất nước lạm phát 231 triệu %, người đàn ông này vẫn tìm ra cơ hội, trở thành tỷ phú đôla và được ông Obama hết lời ca ngợi - Ảnh 3.

Tỷ phú Strive Masiyiwa và Cựu thủ tướng Anh Tony Blair

Người nổi tiếng với triết lý sống vì mọi người

Ngoài việc giàu có và nổi tiếng nhờ chống lại chế độ độc quyền dưới thời Tổng thống Robert Mugabe, ông Masiyiwa còn được biết đến với triết lý sống vì mọi người.

 

Nhà tỷ phú này đã sử dụng khối tài sản cá nhân khổng lồ của mình để xây dựng nên chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em mồ côi lớn nhất châu Phi, qua đó trợ giúp cho hơn 40.000 trẻ em tại châu lục này. Tỷ phú Masiyiwa cũng là thành viên của tổ chức từ thiện Giving Pledge, sáng lập bởi vợ chồng Bill Gates.

Ngoài ra, ông Masiyiwa còn tham gia hàng loạt các tổ chức, hoạt động từ thiện khác. Bản thân ông là đồng chủ tịch của Grow Africa, tổ chức với 15 tỷ USD chuyên đầu tư cho nông nghiệp ở châu Phi.

Nhờ những đóng góp không mệt mỏi này mà nhà tỷ phú châu Phi nhận được vô vàn những bằng khen và đánh giá tích cực của các tạp chí lớn.

Năm 2012, Tỷ phú Masiyiwa được Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó mời đến hội nghị G8 để thảo luận vấn đề chống đói nghèo ở châu Phi.

Năm 2014, Masiyiwa được tạp chí Fortunes bình chọn là một trong 50 doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2015, tạp chí Forbes bầu Masiyiwa vào top 10 người quyền lực nhất châu Phi.

Đến năm 2017, Fortunes xếp hạng Masiyiwa đứng thứ 33 trong số những nhà lãnh đạo tốt nhất thế giới cùng tỷ phú Elon Musk và siêu sao bóng rổ LeBron James.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ