Việt Nam hội nhập kinh tế trên nền tảng AEC và các cơ chế ASEAN+

Hôm qua 28.1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (WEF Davos) tại Thuỵ Sĩ và thăm Bồ Đào Nha theo lời mời của Chính phủ Bồ Đào Nha.

Tại các cuộc tiếp xúc, toạ đàm trong khuôn khổ chương trình nghị sự, thông tin về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2017, đã để lại ấn tượng đặc biệt với các chính khách, học giả và cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,...

Tại các cuộc tiếp song phương và diễn đàn đa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh Việt Nam kiên trì đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trên nền tảng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với các cơ chế hợp tác ASEAN+.

Năm 2018, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đạt được thoả thuận với Thuỵ Sĩ về kết thúc đàm phán với Khối EFTA trong nửa đầu năm 2018.“Chúng tôi muốn lấy tiêu chuẩn thương mại, đầu tư quốc tế để tạo động lực đổi mới trong nước trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng độ chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường hiệu quả đầu tư công, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, bảo đảm thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói tại phiên thảo luận chiến lược ASEAN.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam, quy định các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá hoặc có đa sở hữu thì dứt khoát phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để bảo đảm minh bạch, áp dụng tiêu chuẩn quản trị của khối OECD bất kể là khối tư nhân hay Nhà nước để chống chọi với khủng hoảng nếu có. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng điều chỉnh luật pháp, thực hiện phòng chống tham nhũng cả trong khu vực tư nhân để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Cùng quan điểm với các lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hoà bình, hợp tác phát triển là xu hướng chính nhưng nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với bất ổn địa chính trị, vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố và ly khai, chủ nghĩa bảo hộ, dân tuý, chống tự do hoá thương mại. Đối với Việt Nam, thách thức đặt ra là vừa phải phát triển nhanh để không tụt hậu, vừa phải phát triển bền vững 3 trụ cột: Kinh tế- xã hội- môi trường và những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ASEAN, trong đó có Việt Nam, là thị trường đủ lớn cho các mô hình kinh doanh mới, có cơ hội phát triển nhanh hơn khi CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về phát hiện nhu cầu để tạo lợi thế phát triển khi phát biểu khai mạc buổi Tiệc tối ASEAN có chủ đề: “ASEAN: Thịnh vượng trong biến chuyển dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0” do WEF tổ chức. Theo Phó Thủ tướng, các nước ASEAN cần phát huy tự cường, có tầm nhìn, hướng đi và giải pháp mới, khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo để thích ứng và phát triển trong thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ