Từ vị thế của kẻ 'sao chép', nhiều startup Đông Nam Á giờ đây thậm chí ngồi cùng 'chiếu trên' với các ông trùm Silicon Valley

Hiện tại, số lượng những startup Đông Nam Á được định giá từ 1 tỷ USD hoặc hơn đang tăng lên nhanh chóng.

Hành trình đi làm hàng ngày của Nur Dwi luôn là một công việc hết sức chán nản. Cô nhân viên 47 tuổi này phải đi bộ một đoạn đường giữa trời nắng như thiêu đốt để bắt được chiếc xe bus, trước khi đổi sang một xe khác, đông đúc hơn. Đôi lúc cô phải mất tới 3 tiếng mới tới được công ty và nếu may mắn, một vài trong số những chiếc xe bus đó mới có điều hòa, còn đa phần là không.

Nhưng những năm gần đây, con đường đi làm của Dwi đã dễ dàng hơn rất nhiều khi cô bắt đầu sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để đặt xe của hãng Go-Jek.

“Việc tham gia giao thông đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều bởi người lái xe sẽ đón tôi tại nhà và đưa thẳng tới nơi làm việc. Đôi lúc tôi phải về nhà vào tối muộn và việc gọi xe của Go-Jek cũng khiến tôi cảm thấy an toàn hơn”.

Với mức giá khoảng 15.000 đến 18.000 rupiah (từ 1,13 USD tới 1,35 USD), Go-Jek đắt hơn một chút so với đi xe bus thông thường nhưng với những người như Nur Dwi Sasi – số tiền mất thêm đó là không đáng kể.

Giá trị đầu tư ở mỗi thị trường:

 

 

Rất nhiều người tham gia giao thông khác cũng đồng tình với ý kiến này và minh chứng là Go-Jek không những thành công, họ còn gia nhập câu lạc bộ "hạng trên" trong giới startup.

Công ty hiện được định giá 1,3 tỷ USD – tức là được xem như một unicorn – startup trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Những kỳ lân như vậy ở châu Á trong một thời gian dài chỉ tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong bảng xếp hạng giá trị những startup được thống kê bởi CB Insights, Xiaomi của Trung Quốc đứng vị trí số 2 với 46 tỷ USD và Didi Chuxing đứng vị trí thứ 3 với 33,8 tỷ USD. Startup thương mại điện tử của Ấn Độ là Flipkart xếp vị trí 12 với ước tính 10 tỷ USD trong khi đó Snapdeal đứng vị trí 19 với 7 tỷ USD. Trong số 35 công ty đứng đầu, có tới 10 đến từ Trung Quốc và 3 tới từ Ấn Độ.

Hiện tại, số lượng những startup unicorn ở Đông Nam Á cũng đang tăng lên. Ngoài Go-Jek còn có Garena – công game trực tuyến và nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Singapore được định giá 3,75 tỷ USD và ứng dụng gọi xe Grab cũng của Malaysia được định giá 3 tỷ USD.

Trong nhiều năm, các startup trên khắp châu Á được mô tả như phiên bản "sao chép" của thung lũng Silicon. Grab là một ví dụ, đây được gọi là “Uber của Malaysia”. Tuy nhiên chứng kiến giá trị công ty tăng chóng mặt, các nhà đầu tư hiện đang dần nhận ra rằng những startup thành công của châu Á không chỉ đơn thuần là phiên bản copy của phương Tây.

Dẫu sao thì những vấn đề địa phương luôn cần tới những giải pháp mang tính địa phương.

Go-Jek là một ví dụ khác. Công ty này thường được coi là “Uber của xe máy” và thực tế là mô hình hoạt động của Go-Jak có khá nhiều điểm chung với Uber. Tuy nhiên, bất kỳ ai tới Indonesia mới biết, gần như bạn không thể tới bất kỳ đâu ở đây đúng giờ nếu đi bằng xe ô tô và vì vậy xe máy trở thành giải pháp tốt hơn rất nhiều.

Go-Jek cũng mở rộng hơn so với Uber: Các lái xe của họ hiện không chỉ chở người mà còn cả bưu kiện, hàng hóa cho khách hàng.

Thậm chí tại Trung Quốc, ứng dụng ban đầu được xem là “Uber của Trung Quốc” là Didi Chuxing đã đánh bại đối thủ cạnh tranh từ phương Tây và cuối cùng mua lại mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Uber, một phần lớn là bởi họ am hiểu thị trường địa phương.

Trên khắp khu vực Đông Nam Á mọi người đang định vị lại Go-Jek như là “Go-Jek của nước X” nào đó, theo Shane Chesson – đối tác quỹ đầu tư NSI Ventures - đơn vị đầu tư vào Go-Jek có trụ sở tại Singapore nói. “Chúng tôi đã đạt tới điểm sáng tạo vượt xa khỏi việc đơn thuần sao chép những người chơi ở nước ngoài và để đạt tới điểm tạo ra một thứ gì đó của riêng mình”.

 

Theo Teruhide Sato - Nhà sáng lập của một quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore chia sẻ: “Châu Á đang gặp phải hàng loạt vấn đề như cơ sở hạ tầng phát triển yếu kém và đây chính là cơ hội to lớn cho các công ty khởi nghiệp đến và giải quyết những vấn đề thực tế đó”.

Các nhà đầu tư dường như cũng có cùng chia sẻ lạc quan đó giống Sato. Các quỹ đầu tư đã mạnh tay rót vào các công ty khởi nghiệp của châu Á tới 39 tỷ USD trong năm 2016, chiếm khoảng 30% tổng giá trị đầu tư startup toàn cầu trong năm đó và gấp 9 lần so với năm 2010.

Đông Nam Á là nơi đặc biệt chứng kiến số lượng các khoản đầu tư tăng gấp 8 lần so với năm 2012. Số lượng các thỏa thuận tại châu Á đã giảm năm 2016 nhưng đó là do “quy trình thông qua các thỏa thuận mất thời gian hơn”.

Sato cũng khẳng định: “Hệ sinh thái startup tại châu Á thời điểm hiện tại phát triển hơn so với khi tôi mới bắt đầu đầu tư vào năm 2012”.

Một trong những thay đổi lớn nhất mà ông chứng kiến là sự tồn tại của những kỳ lân. Sato nhấn mạnh rằng những chú kỳ lân này sẽ “thu hút được cả các nhà đầu tư và nhân tài đến với khu vực”.

Ngoài số lượng các công ty khởi nghiệp tăng lên nhanh chóng. Khu vực này còn chứng kiến lượng người dùng Internet tăng đột biến với 3,8 triệu người dùng mới mỗi tháng theo báo cáo từ google và Temasek. Khu vực này cũng đang có 260 triệu người dùng Internet và con số này được kỳ vọng sẽ tăng 480 triệu người tới năm 2020.

Cũng cần phải nói thêm rằng dù hệ sinh thái startup đang diễn ra sôi động là vậy nhưng hoạt động gây vốn vẫn chỉ tập trung chủ yếu tại Trung Quốc – nơi thu hút phần lớn số tiền đầu tư vào khu vực trong năm ngoái. Ấn Độ chiếm 3,3 tỷ USD. Trong khi đó toàn bộ khu vực Đông Nam Á chỉ đạt 2,6 tỷ USD.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ