Forbes: CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không

Trong lịch sử 116 năm của ngành hàng không, những nữ phi công đã hiếm, nữ CEO của một hãng hàng không lại càng hiếm hơn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Việt Nam đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vốn thuộc về phái mạnh khi là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình – Vietjet.

Thành tựu đó giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành một đại diện tiêu biểu trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất năm nay – tôn vinh những người dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản.

Bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam với tài sản trị giá 2,5 tỷ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất Đông Nam Á. Hiện tại, bà đang lên kế hoạch mua thêm máy bay để tận dụng lợi thế từ sự bùng nổ thị trường du lịch hàng không trong khu vực và đưa Vietjet ra toàn cầu. Để đạt được mong muốn ấy, bà Thảo sẽ phải vượt qua những trở ngại tới từ cơ sở hạ tầng của Việt Nam, tình trạng thiếu phi công trên thế giới và những quy định trong ngành hàng không.

CEO Vietjet đã và đang chứng minh rằng bà có thể vượt qua những rào cản. Vietjet, hãng hàng không thành lập năm 2007 hiện đã chuyên trở lượng khách nội địa nhiều hơn cả hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Bà Thảo đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới tới hãng hàng không của mình và tới đất nước Việt Nam quê hương với những bước đi táo bạo của mình.

 

Từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng khai thác 80 tàu bay trên 120 điểm đến. "Chiến lược của chúng tôi là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm. Như thế chúng tôi có thể phát triển các căn cứ, từ đó phục vụ một nửa dân số thế giới", bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Năm 2017, Vietjet đã niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán TP HCM với vốn hóa thị trường 1,4 tỷ USD. Năm tiếp theo, Vietjet vận chuyển 23 triệu hành khách, chiếm 46% thị phần ở Việt Nam, tương đương một nửa số khách mà AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á vận chuyển năm ngoái. Vietjet đang phát triển nhanh hơn cả AirAsia.

Doanh thu Vietjet đã tăng 27% lên 54 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD) trong năm 2018, trong khi đó doanh thu của AirAsia chỉ tăng 9% lên 10,6 tỷ ringgit (tương đương 2,5 tỷ USD). Năm nay, Vietjet kỳ vọng phát triển hơn nữa, dự kiến chuyên chở 30 triệu hành khách, tăng 30% so với năm ngoái. "Ngay khi bắt đầu, chúng tôi đã định vị Vietjet là hãng hàng không của khu vực và quốc tế", bà Thảo chia sẻ. Năm 2010, AirAsia từng ký kết hợp tác với Vietjet với mong muốn tham gia vào thị trường hàng không nội địa Việt Nam, tuy nhiên không thành công.

Chìa khóa thành công của Vietjet là giữ chi phí ở mức thấp và khai thác hiệu quả mỗi chuyến bay. Chi phí vận hành tính theo số ghế cung ứng trên mỗi km (ASK) của Vietjet là 2,3 cent – mức được đánh giá là tốt nhất trong ngành. Chi phí này của AirAisa là 3,1 cent, các hãng hàng không truyền thống của Mỹ có ASK trung bình khoảng 7 cent. Vietjet nhắm tới việc thu hút được nhiều hành khách hơn nữa khi họ chuẩn bị đưa vào khai thác dòng máy bay Airbus A321neo mới với 240 chỗ, nhiều hơn so với tàu bay thân hẹp mà nhiều hãng khác đang khai thác.

Các chuyến bay của Vietjet có tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 88%. Nói về những thách thức liên quan đến hoạt động điều hành, bà Thảo cho biết: "Rất nhiều yếu tố bất ngờ cần giải quyết và cần giải quyết tất cả cùng lúc. Có nhiều câu hỏi cần trả lời và chỉ cần 1 câu hỏi không tìm được câu trả lời, bạn chắc chắn sẽ thất bại".

Châu Á là mảnh đất màu mỡ cho Vietjet khai phá: Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính nhu cầu về du lịch hàng không tại châu Á Thái Bình Dương – thị trường du lịch phát triển nhanh nhất thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tới, tương đương với mức tăng thêm 2,8 tỷ hành khách mỗi năm.

Du lịch tại Việt Nam cũng đang bùng nổ, nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Các sân bay trong nước đã đón 106 triệu lượt hành khách trong năm 2018, tăng 13% so với năm trước đó. Con số này gồm 16 triệu khách nước ngoài, tăng 20% so với năm 2017. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Vietjet đã đặt 386 máy bay mới, bao gồm 200 chiếc từ Boeing và 186 chiếc từ Airbus.

Nỗ lực mở rộng của Vietjet mang lại kết quả tốt. Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi IPO năm 2017, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 3 tỷ USD – cao thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Singapore Airlines. Và Vietjet cũng đang trao đổi hợp tác với các đối tác trong khu vực để mở rộng hơn nữa bên ngoài Việt Nam.

Là một bà mẹ 3 con, bà Thảo cũng là người làm việc chăm chỉ, thường xuyên làm việc tới đêm muộn.

Thách thức lớn nhất của nữ tỷ phú sẽ là làm sao để bay tới nhiều điểm đến trong khu vực châu Á hơn khi mà chính phủ các nước vẫn cẩn trọng trong việc cấp phép cho các hãng hàng không khai thác các đường bay tới sân bay của họ. “Đông Nam Á có sáng kiến về một thị trường hàng không duy nhất nhưng không bao gồm một số thị trường hàng không chủ chốt tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia”, Albert Tjoeng, trợ lý giám đốc truyền thông văn phòng IATA châu Á Thái Bình Dương tại Singapore phát biểu. “Khu vực này bao gồm một hệ thống chắp vá – cả về hoạt động khai thác lẫn các quy định – và để dung hòa thì cần phải tối đa hóa khả năng của mạng lưới khai thác cả trên trời và dưới mặt đất”.

Để hạ cánh được ở nhiều điểm quốc tế hơn, những hãng hàng không như Vietjet thường hợp tác với các hãng hàng không nội địa tại các quốc gia. Đến nay, Vietjet đã hình thành một liên danh tại Thái Lan, hiện đang khai thác 8 tàu bay tại thị trường rất cạnh tranh này.

Một rào cản khác với Vietjet là cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, hầu hết các sân bay lớn đều đang khai thác vượt công suất thiết kế. Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM đã đón 38 triệu hành khách trong năm 2018, trong khi công suất thiết kế chỉ là 28 triệu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại sân bay Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội.

Nữ tỷ phú cho biết, Vietjet mong muốn tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp tháo gỡ khó khăn này, vẫn đang chờ chính phủ có quyết định cuối cùng.

Vietjet cũng đối mặt với thị trường cạnh tranh hơn. Tính tới cuối năm ngoái, Việt Nam có 174 máy bay thương mại đăng ký thuộc 4 hãng hàng không. Đầu năm nay, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không thứ 5 với 4 tàu bay. Mới đây, Vingroup cũng vừa tiết lộ kế hoạch ra mắt Vinpearl Air.

Việc thiếu phi công cũng là thách thức. Theo Boeing, ngành công nghiệp hàng không sẽ cần 650.000 phi công mới trong 20 năm tới trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương cần 244.000 phi công và Trung Đông là 64.000 người. Theo ông Tjoeng, thách thức đối với ngành hàng không và các bên liên quan như chính phủ và cơ quan quản lý là đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng đầy đủ, trong khi nhu cầu về nguồn lực, luật pháp phải được đáp ứng để đảm bảo rằng các quốc gia có thể nhận thức đầy đủ về những lợi ích mà hàng không có thể mang tới.

CEO Vietjet không vì thế mà nản lòng. Ngoài việc nỗ lực lấp đầy chỗ trên các chuyến bay, lợi nhuận Vietjet còn có thể tăng lên nhờ những đặt hàng máy bay lớn cho bà những máy bay thế hệ mới và giá mua tốt sẽ gia tăng lợi nhuận cho tập đoàn. Mục tiêu của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là một lần nữa ghi dấu lịch sử bằng việc biến Vietjet trở thành hãng hàng không toàn cầu đầu tiên tới từ Việt Nam.

"Nếu thành lập một hãng hàng không ở châu Âu, chúng ta có thể bay tới mọi quốc gia ở đó. Với lợi thế cạnh tranh về dịch vụ, tàu bay, khả năng quản lý, chi phí và cung cấp những dịch vụ mới, tôi hoàn toàn tự tin rằng chúng ta có thể cạnh tranh ở những thị trường khác, như châu Âu hoặc Mỹ". Khi đã một lần tạo ra kỳ tích lịch sử, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có quyền tự tin với những dự định của mình.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ