Phó Chủ tịch Quốc hội: 90.000 tỷ đồng Quỹ BHXH chưa biết đầu tư vào đâu

Ông Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hiện luật định chỉ cho phép Quỹ BHXH được mua trái phiếu chính phủ và đầu tư vào khoảng 5 ngân hàng quốc doanh.

Trong ngày làm việc thứ 4, Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận về Đề án cải cách chính sách BHXH. Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành.

Từ nhiều khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, cơ cấu dân số, bình đẳng giới... các Uỷ viên Trung ương Đảng đều tán thành việc tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng thành 60 tuổi. Các Uỷ viên cũng cho rằng phải khẩn trương tiến hành theo lộ trình nhưng không làm sốc cho thị trường lao động.

Nhấn mạnh Việt Nam đang già hoá dân số rất nhanh, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐTB&XH cho rằng nếu không có quyết tâm, cái nhìn xa, quyết định mau lẹ thì sẽ chuyển gánh nặng cho thế hệ con cháu.

Tuổi thọ Việt Nam đang rất cao trong khu vực, Bộ trưởng Dung nói và cho biết đã đưa ra 2 phương án để tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông cho biết dựa vào kinh nghiệm quốc tế và sự tư vấn thì nên chọn phương án tăng 3 tháng một sau 20 năm nữa sẽ hoàn thành tuổi hưu của nữ và 8 năm sau đó thì hoàn thành của nam.

"Chứ không phải như cách hiểu của dư luận hiện nay là ngay lập tức nâng thành 60 tuổi", Bộ trưởng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, bà cho rằng thời gian hoàn thành độ tuổi nghỉ hưu là quá lâu mặc dù nó đảm bảo cho thị trường không bị sốc. Bên cạnh đó, thời điểm hoàn thành cũng đang bị cách quá xa giữa nam và nữ.

"Nếu như nam là năm 2029 thì nữ là năm 2041 nếu bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Vì vậy tôi cũng đề nghị nghiên cứu để điều chỉnh, rút ngắn lộ trình thực hiện và tính đến yếu tố thu hẹp khoảng cách giới", bà nói.

Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người hưởng BHXH một lần tăng, làm mất đi ý nghĩa của đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Nghĩa là cứ 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống.

Do đó, ông đề nghị nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận.  

"Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần", ông Cường nói.

Bài toán kinh doanh quỹ BHXH cũng được đề cập đến qua góp ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

 

"Rõ ràng chúng ta phải tạo điều kiện cho quỹ này sinh lời. Hiện nay tôi được biết khoảng 90.000 tỷ đồng tiền quỹ chưa biết là đầu tư vào đâu", ông Hiển cho biết.

Theo ông, hiện Luật chỉ cho phép quỹ được mua trái phiếu chính phủ và đầu tư vào ngân hàng quốc doanh, khoảng 5 ngân hàng.

"Phải ưu tiên cho việc sử dụng quỹ, tạo điều kiện cho quỹ của chúng ta phải phát triển. Một quỹ tài chính phải có thu, chi và sinh lời", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.  

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ