Rác thải không chỉ là vấn đề nhức nhối của Việt Nam mà còn là vấn nạn mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chuyển hóa rác thải thành năng lượng, biến những gì được coi là phế phẩm thành tài nguyên quý giá đã trở thành khát vọng của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này vừa góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường vừa phù hợp với cam kết của Chính phủ về việc đưa mức phát thải ròng về “0” tại COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26).
Sau hơn 3 thập kỷ dày công nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sỹ danh dự Huỳnh Văn Hoà được biết đến là người thành công trong việc phát triển công nghệ, chuyển hoá rác thải thành năng lượng sạch. Và đứa con tinh thần của ông - Nhà máy chuyển hóa rác thảirắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng giai đoạn 1 đã chính thức được khánh thành tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào ngày 15/12/2024, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, người dân huyện Yên Dũng và các nhà đầu tư: Công ty CP Live Again Group, Công ty CP Môi trường năng lượng xanh Bắc Giang. Nhà máy không chỉ là thành quả khoa học mà còn là kết tinh từ trái tim yêu môi trường và khát vọng cống hiến cho cộng đồng của ông.
Các đại biểu tham quan nhà máy.
Nhà máy được khởi công vào ngày 30/4/2024, với công suất thiết kết từ 120 - 150 tấn/ngày đêm theo độ ẩm từng mùa và dự kiến sẽ hoàn thành trong 165 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi nên nhà máy chính thức được khánh thành sau hơn 7 tháng thi công, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xử lý rác thải tại Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ xử lý 150 tấn rác thải/ngày cho đầu vào và 70 tấn cho đầu ra. Phát biểu tại Lễ khánh thành, nhà khoa học Huỳnh Văn Hoà chia sẻ: “Hôm nay tôi vô cùng vui mừng khi đứng trước một công trình công nghệ trải dài trên 30 năm mà tôi dày công nghiên cứu (1992 - 2024). Bao nhiêu điều nghiệt ngã, khó khăn và gian khổ đến với tôi. Thành quả đạt được ngày hôm nay là thành quả to lớn đối với tôi, với bạn bè tôi, gia đình tôi, người bạn Tiến sỹ Abert của tôi và toàn thể công nhân, viên chức của 2 công ty. Một công trình bảo vệ môi trường xử lý toàn bộ chất thải mà hoàn toàn: không có khí thải, không phát tán mùi hôi, không phát sinh tro xỉ và không nước thải, mang lại một nguồn năng lượng điện, khí đốt, nhiên liệu và dung môi sạch cho người đầu tư.”
Trong giai đoạn hai, ông và các cộng sự của mình sẽ tiếp tục phát triển một nhà máy lớn hơn để có thể đáp ứng toàn bộ việc xử lý rác thải cho toàn tỉnh Bắc Giang. “Với nhiều năm đóng góp cho hành tinh xanh với hạnh phúc cho mọi người được an yên, chúng tôi cố gắng biến cái không thể thành có thể, góp phần đem lại một thế giới trong lành”. Ông chia sẻ.
Có thể nói, Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng tại địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là một công trình mang tính đột phá, đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với quy trình vận hành hiện đại, sử dụng công nghệ chuyển đổi năng lượng, nhà máy không chỉ đạt được các tiêu chí tối ưu mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo có giá trị, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn cho quốc gia. Quả thực “Nhà máy không chỉ là một biểu tượng về công nghệ tiên tiến mà còn khẳng định trí tuệ Việt Nam, khẳng định sự quyết tâm của chúng ta trong việc giải quyết bài toán về rác thải, về môi trường sống xanh - sạch - đẹp của thế hệ chúng ta và mai sau” như lời chia sẻ của ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Live Again Group tại Lễ khánh thành.
Mai Hoa