Chiều 3/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty CP Phát triển Báo chí Việt Nam đã đồng tổ chức Hội thảo "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2023". Chiều tối cùng ngày, Đoàn tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công; Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam Phạm Đình Đoàn cùng 70 đại biểu là Ủy viên BCH VCCI, đại biểu Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam và các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu cả nước.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PV)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Năm 2014, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp (DN) gia đình Việt Nam và suốt gần 10 năm qua đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để phát triển các DN gia đình. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ DN dân tộc, một nội dung rất quan trọng để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
“Căn cứ định hướng này của Nghị quyết, có thể thấy việc phát triển các DN gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là một nguồn để hình thành đội ngũ DN dân tộc lớn mạnh, vì vậy có thể hiểu các DN gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ DN dân tộc. Đây là nội dung quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”, ông Phạm Tấn Công cho biết thêm.
Toàn cảnh Hội nghị ngày 3/11. (Ảnh: PV)
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị, sau hội thảo này, các ban, đơn vị chuyên môn của VCCI tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng DN gia đình Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những khuyến nghị về xây dựng văn hóa DN gia đình Việt Nam và vận động các DN gia đình, trước tiên là các DN thành viên của Hội đồng, thực hiện tại các DN của mình, từ đó, có thể tham vấn về chính sách pháp luật cho Quốc hội và Chính phủ nhằm phát triển cộng đồng DN gia đình Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chủ tịch hiệp hội, chuyên gia đã chia sẻ về xây dựng và định vị văn hóa DN gia đình, xây dựng văn hoá gia đình doanh nhân, xây dựng người kế nghiệp trong các DN gia đình.
Chiều tối cùng ngày, tại Nhà Quốc hội Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước tiếp tục tiếp kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cùng dự cuộc gặp mặt có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.
Đoàn đại biểu gặp mặt Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: CTTĐT Quốc hội VN)
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau 37 năm đổi mới, Việt Nam đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công báo cáo Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: CTTĐT Quốc hội VN)
Lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa đất nước ta trở thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Trong đó, doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ.
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”, một nội dung rất quan trọng để đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Căn cứ định hướng này của Nghị quyết, Chủ tịch VCCI nhận thấy, việc phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là một nguồn để hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp gia đình nói riêng. Quốc hội đã luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ nhanh, hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid – 19 vừa qua và những diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: CTTĐT Quốc hội VN)
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các văn kiện qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: CTTĐT Quốc hội VN)
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ làm hết sức mình, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; luôn lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân; tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp tiêu biểu. (Ảnh: CTTĐT Quốc hội VN)
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết vừa qua, thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên chăng yêu cầu Chính phủ tổng rà soát tất cả các thủ tục hành chính xem vướng mắc ở đâu và có thể sẽ đưa nội dung này vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội hoặc Nghị quyết Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân, doanh nghiệp gia đình nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.