Đại gia bất động sản, thủy điện đang thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM là ai?

Sau hơn 1 năm triển khai, dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng tại TPHCM đang dần hình thành. Đây là dự án do Trung Nam Group thực hiện, một doanh nghiệp chuyên triển khai các dự án hạ tầng, bất động sản và thủy điện.

Vào mùa mưa bão, nhiều khu vực tại TPHCM thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt, khiến người dân đi lại khó khăn. Trước tình hình này, TPHCM đã giao Tập đoàn Trung Nam triển khai dự án với tên gọi "Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu".

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch) của các dự án thoát nước đô thị (QH 752) và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dân cư.

 

Chiều dài toàn bộ hệ thống xây dựng các cống ngăn triều trên các kênh rạch để ngăn không cho triều xâm nhập vào trung tâm thành phố, và chiều dài kè ngăn triều toàn bộ QH 1547 là trên 60km kè.

Giai đoạn 1 của dự án được khởi công ngày 26/6/2016 và sau hơn 1 năm triển khai, dự án đang dần thành hình. Trung Nam từng kỳ vọng dự án này sẽ vượt tiến độ, hoàn thành chỉ sau 24 tháng.

 

Trung Nam Group là ai?

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được thành lập từ tháng 11/2014, hiện có quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Đầu tư và xây dựng được xác định là năng lực cốt lõi của Trung Nam Group, với 3 mảng kinh doanh chính gồm Năng lượng, Hạ tầng và Bất động sản. Trung Nam hiện có 12 công ty con và 2 công ty liên kết, hoạt động rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước

Năm 2007, Trung Nam có dự án lớn đầu tiên khi khởi công nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 tại tỉnh Lâm Đồng, dự án có tổng mức đầu tư 3.665 tỷ đồng. Nhà máy này được hoàn thành vào tháng 10/2015, mỗi năm cung cấp cho ngành điện 263,8 triệu kWh.


Dự án thuy điện Đồng Nai 2

Dự án thuy điện Đồng Nai 2

Sang năm 2008, Trung Nam triển khai dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt (Golf Valley), vốn đầu tư 150 triệu USD. Dự án được quy hoạch là một khu đô thị kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại thành phố Đà Lạt. Dự án có quy mô gần 20ha, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, kế cận hồ Xuân Hương.

Golf Valley gồm 90 biệt thự đơn lập, song lập, 16 nhà phố liền kệ, 415 căn hộ cao cấp, 3 khách sạn từ 3-5 sao và có cả trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng với đầy đủ tiện nghi khép kín như sân tennis, rạp chiếu phim, khu vui chơi... Golf Valley đã được khánh thành hạ tầng dự án hồi đầu năm 2016.

 

Năm 2010, Trung Nam tiếp tục bắt tay vào 2 dự án thủy điện khác, là nhà máy thủy điện Krông Nô 2&3, tổng mức đầu tư trên 1.850 tỷ đồng tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Krông Nô 3 (609 tỷ đồng) đã khánh thành vào tháng 4/2016, cung cấp 63,51 triệu kWh/năm còn Krông Nô 2 (1.408 tỷ đồng) khánh thành vào tháng 1/2017, cung cấp 105,87 triệu kWh/năm.

 

Năm 2011, Trung Nam gây tiếng vang với dự án Golden Hills, tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD, nằm ở phía Nam đèo Hải Vân và phía Bắc thành phố Đà Nẵng. Theo quy hoạch, đây sẽ là một siêu dự án, với 5 khu: Khu biệt thự cao cấp, khu đô thị sinh thái, khu đô thị trung tâm, khu thể dục thể thao và khu vui chơi giải trí.

 
 

Tuy nhiên, đây là giai đoạn thị trường bất động sản không thuận lợi, vì thế nên tốc độ triển khai dự án Golden Hills khá chậm, đến nay mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng khu A, gồm đất ở liền kề, đất biệt thự, nhà trẻ, trường học, công viên, kênh cảnh quan. Theo quan sát, đến tháng 3/2017 vừa qua, cư dân ở đây vẫn còn khá thưa thớt.

 

 

Năm 2011 cũng là năm Trung Nam bắt đầu xây dựng hạ tầng, với dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài - giai đoạn 1. Đến năm 2013, Trung Nam triển khai tiếp dự án nút giao thông khác mức Ngã Ba huế, tổng mức đầu tư 2.689 tỷ đồng. Dự án được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2015, góp phần xóa điểm đen nơi thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông, đồng thời để lại nhiều dấu ấn: Nút giao thông khác mức lớn nhất, thi công trong điều kiện mặt bằng phức tạp.

 

Năm 2015, Trung Nam tiếp tục làm nhà máy điện, lần này là điện gió tại tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, sản lượng điện phát hàng năm khoảng 259,7 triệu kWh. Dự án đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.

Trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2020, Trung Nam Group đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn lớn mạnh về tài chính, nhân lực, đầu tư đa ngành với tổng tài sản đạt mức 3 tỷ USD.

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ