Chủ tịch ngân hàng TPBank Đỗ Minh Phú: Thành công nằm trong chữ “thực”

Là chủ một nhà băng uy tín đồng thời là chủ một tập đoàn kinh doanh vàng và đá quý nổi tiếng nhất hiện nay, mới đây ông Đỗ Minh Phú đã chia sẻ những lí do “đơn giản mà khó” để có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh và thành công như hiện tại.

 

Làm kinh doanh phải biết nắm bắt và thấu hiểu thị trường

Chủ tịch ngân hàng TPBank Đỗ Minh Phú

Chủ tịch ngân hàng TPBank Đỗ Minh Phú

-Từ một người có thiên hướng học thuật, ông rẽ sang làm kinh doanh và lại bắt đầu trong thời kì nền kinh tế Việt Nam đangở giai đoạn đầu mở cửa, mọi thủ tục về mua bán, xuất nhập khẩu rất khắt khe. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng bạc đá quý lại là loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị rất lớn, chắc hẳn ông đã gặp phải nhiều khó khăn.Vậy đã khi nào ông cảm thấy hối hận vì dấn thân vào chốn thương trường và lĩnh vực này?

Thực ra, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.

Với lĩnh vực đá quý, điều quan trọng là tìm ra ứng dụng công nghệ để xử lý chúng.Muốn xử lý đá quý thì phải có nguyên liệu mà thời điểm đó, mua nguyên liệu trên thị trường không dễ dàng.Các mỏ khai thác hầu như hoạt động tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ, không chính thống.Khi có nguồn nguyên liệu rồi thì làm thế nào để mua được, đánh giá được chất lượng và xử lý nó.Làm sao để đưa sản phẩm ra được thị trường quốc tế ở thời điểm Việt Nam còn là “anh tân binh” về đá quý ở giai đoạn 1990.Đó là những khó khăn chúng tôi gặp phải khi bắt đầu lĩnh vực này.

Chính những khó khăn ban đầu đã tạo cho chúng tôi đam mê và nghị lực, đưa tên đá quý Việt Nam cập nhật trên bản đồ đá quý thế giới. Đặc biệt sau này, khi từ “VSR – Vietnam Star Ruby” được dùng làm kí hiệu chỉ một loại đá quý hiếm trên thế giới, đó cũng là phần thưởng khích lệ chúng tôi rất nhiều khi tham gia vào lĩnh vực này.

Những lô hàng đầu tiên xuất khẩu ra thế giới đã làm họ vô cùng ngạc nhiên vì không chỉ có những quốc gia nổi tiếng về đá quý như Miến Điện, Sri Lanka hay Ấn Độ mà Việt Nam cũng trở thành cái nôi về đá quý. Điều này thực sự mang lại cho chúng tôi niềm tự hào.

- Vàng là loại hàng hóa có sự biến động khó lường và kinh doanh vàng giống như việc đi trên dây. Vậy theo ông, người làm kinh doanh vàng cần bản lĩnh thế nào?

Kinh doanh vàng quả thực không hề dễ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kinh doanh vàng như một hàm số với quá nhiều biến số. Những tác động về chính trị trên thế giới, sự thay đổi về bảng giá, bảng kết quả lao động của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản...thậm chí cả xung đột về tôn giáo, phát biểu của quan chức cấp cao… cũng có thể tác động đến giá vàng.

Nếu bạn bán ra 1000 lượng vàng thì ngay lập tức bạn phải mua vào 1000 lượng.Giá của thời điểm bán và giá mua vào ở thời điểm kế tiếp cũng cần loại trừ những yếu tố rủi ro nhất.Vì giá bạn mua lại chưa chắc đã bằng giá bạn bán ra.Vậy nên việc thua lỗ chắc chắn có thể xảy ra.

Có thể nói, việc kinh doanh vàng đã mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, tạo thêm cho mình độ lì nhất định với thị trường khó khăn này.

- Khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường vàng không còn sôi động như trước nhưng Doji vẫn có mức tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 35%, thậm chí ông còn mở rộng việc kinh doanh của mình. Làm thế nào ông có thể kiếm được những cơ hội kinh doanh từ những khe cơ hội rất nhỏ như vậy?

Tại thời điểm năm 2010 – 2011, tôi nhận thức được rằng vàng miếng chỉ là phương tiện cất trữ, đầu tư, thậm chí là đầu cơ nhưng không phải là sản phẩm người dùng có thể dùng được như trang sức. Nếu đứng về góc độ kinh doanh, biên lợi nhuận của vàng miếng rất nhỏ, chỉ bằng 1/1000 doanh thu trong khi vớimột sản phẩm trang sức, biên lợi nhuận có thể lớn gấp vài chục lần.

Hiểu được tâm lí mua vàng của người Việt Nam, chúng tôi phải làm sao sản xuất được sản phẩm vàng vừa có thể cất giữ, phải được bảo toàn giá trị và phải đeo được. Chúng tôi cho ra đời sản phẩm trang sức vàng ta với hàm lượng vàng 24k, sản phẩm có giá vàng tuyệt đối.Như vậy, nếu giá vàng có biến động thì người đầu tư có thể bán ra thị trường mà không lo mất giá. Nó hơi khác biệt so với sản phẩm vàng hợp kim 18k, 14k. Chính sự đầu tư này giúp chúng tôi đưa ra những sản phẩm độc đáo, theo kịp xu hướng thị trường và mang lại thêm nhiều cơ hội cho chúng tôi.

- Phải chăng biết nắm bắt thị trường, thấu hiểu thị trường để đưa ra được những chiến lược, những cải tiến theo kịp nhu cầu là những bí quyết để thành công?

Trong kinh doanh,bạn cần phải nắm bắt hơi thở của thị trường. Chúng ta phải có những tiên liệu với xu hướng để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội. Với những ai bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, đặc biệt với lĩnh vực như chúng tôi, cần hiểu rằng thị trường luôn biến đổi, nhu cầu sẽ thay đổi và bắt nhịp theo thị trường tiêu thụ ở các nước. Nắm được điều đó, chúng ta có thể tiên liệu, đón đầu và sẵn sàng nhận được những kết quả kinh doanh tốt.

Thành công nằm trong chữ “thực”

Năm 2011, Ngân hàng Tiên Phong nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của NHNN.Ông Đỗ Minh Phú cùng Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji đã đầu tư vào TPBank với tỷ lệ nắm giữ 20%.Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT của TPBank, ông Phú đã bắt tay vào thay đổi toàn bộ bộ máy, ban điều hành và tái cơ cấu ngân hàng. Sau khoảng 1 năm chèo lái, TPBank đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ là ngân hàng gặp khó đến giữa năm 2015, TPBank đã trở thành ngân hàng duy nhất tái cơ cấu thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém.

Kết quả của dấu mốc vươn lên mặt đất, TPBank đón thêm cổ đông nước ngoài mới, tổ chức IFC thuộc World Bank,mua 4.999% cổ phần vào tháng 8/2016. Dưới sự dẫn dắt của ông Phú, năm 2016, tổng tài sản của TPBank đã cán đích 100 tỷ đồng, huy động đạt 85 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 64 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng, đạt 695 tỷ đồng trong khi nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.Có thể nói, ông đã là người có vai trò quan trọng trong việc vực dậy và phát triển ngân hàng TPBank.

- Có thể nói, TPBank giờ là một hình mẫu của tái cơ cấu ngân hàng và thành công lại mỉm cười với ông một lần nữa.Theo tôi được biết, nhiều đại gia đầu tư vào lĩnh vực này nhưng lại phải nếm trải những thất bại cay đắng.Vậy ông có thể chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm nào đã giúp ông có được thành công như hiện tại?

Nếu nói lí do vì sao TPBank tái cơ cấu thành công, có lẽ điều quan trọng nhất nằm trong chữ “thực”.

Trước hết, để tái cơ cấu thành công thì cần vốn thực. Số vốn chúng tôi đầu tư vào ngân hàng đã giúp cho TPBank có thêm nguồn lực, điều này rất quan trọng bởi các cổ đông sẽ không phải loay hoay vay mượn để đổ tiền vào ngân hàng. Chúng tôi hoàn toàn có thể xoay sở được khi có nguồn tiền thực .

Thứ 2, chúng tôi quan niệm đã đầu tư thì phải quản trị thực và chúng tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Kể từ khi bắt đầu đầu tư vào ngân hàng năm 2012 cho tới nay, tôi không có được một ngày nghỉ phép.Tất cả thời gian, tinh thần, sự cố gắng, hi sinh đều để thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu thành công cho ngân hàng.

Chúng tôi đem tư duy mới về ngân hàng, hiểu rằng ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp.Tuyên ngôn thương hiệu của chúng tôi cũng hướng đến khách hàng.Chúng tôi truyền đi thông điệp “Vì chúng tôi hiểu bạn” với mong muốn đi cùng khách hàng, là niềm tin và nơi yên tâm của khách hàng.Vì vậy toàn bộ hệ thống kinh doanh của ngân hàng cũng phải đi theo tinh thần này và nhờ đó, chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng được một hệ thống văn bản, quy trình chặt chẽ để mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng.

Thứ 3 là bộ máy của ban điều hành phải có năng lực thật sự. Chúng tôi đã tuyển chọn, chiêu hiền đãi sỹ, mời rất nhiều anh chị em có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực ngân hàng về cộng tác với chúng tôi. Họ là những con người tài năng thực sự, đạo đức thực sự và chính họ đã góp phần tạo nên chữ thực thứ 3 của chúng tôi. Với 3 chữ thực này, Ngân hàng Tiên Phong đã thực sự lột xác.

Sau chưa đầy 3 năm tái cơ cấu, tổng tài sản của ngân hàng từ 13 nghìn tỷ đồng tăng lên 100 nghìn tỷ đồng, tức là tăng lên gấp khoảng 8 lần; lượng khách hàng tăng từ 50 nghìn khách hàng lên đến 1.5 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2016; nợ xấu từ 7% giảm xuống chỉ còn 0.51%. Có được thành quả đó là nhờ những nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên ngân hàng, chúng tôi làm thực, cố gắng thực và cống hiến thực sự cho ngân hàng vì lợi ích thực sự của khách hàng và của các cổ đông.

- Như vậy vốn thực, quản trị thực và tài năng thực đã làm nên thành công thực trong tái cơ cấu ngân hàng. Ông cũng từng chia sẻ: “Đừng chỉ nghĩ đến những khoản đầu tư kếch xù hay suốt ngày theo đuổi những thứ to lớn viển vông, người giàu sẽ dạy cho bạn biết tiền có thể kiếm được nhiều từ những giá trị nhỏ bé ở đời thường”. Vậy với những người đang ấp ủ quyết định khởi nghiệp,theo ông có nên vay tiền và quyết định đầu tư không hay đợi đến khi đủ năng lực tài chính mới bắt đầu?

Khi bắt đầu khởi nghiệp thì không nên chờ đến khi nào bạn có tiền bởi bạn sẽ lấy tiền ở đâu, chắc chắn gia đình sẽ không thể chu cấp cho bạn. Khi tôi bắt tay vào khởi nghiệp, lúc đó vốn của chúng tôi có chưa đến 100 triệu đồng. Vậy nên đừng chờ có đủ tài chính mới bắt đầu kinh doanh vì có thể lúc bạn có đủ tài chính thì cơ hội đã đi qua mất rồi. Hãy bắt taythực hiện, bạn sẽ tìm ra được nhiều lối đi cho bản thân mình.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị này!

Ông Đỗ Minh Phú theo học ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa, tốt nghiệp loại ưu ông được làm TGĐ một công ty liên doanh với nước ngoài về đá quý. Năm 1994, ông bỏ chức TGĐ công ty liên doanh để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý. Năm 1997, ông và gia đình lập công ty Diana chuyên sản xuất các sản phẩm tã giấy, băng vệ sinh và khăn giấy. Năm 2007, ông xây dựng TTTM đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Năm 2011, ông bán công ty Diana cho đối tác của Nhật. Thương vụ này có giá trị lên tới gần 200 triệu đô la Mỹ. Với khoản lợi nhuận này, ông lại tiếp tục dốc vốn vào Ngân hàng Tiên Phong và làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ