Nhiều doanh nghiệp đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng khả năng hoàn thành khá mong mạnh khi qua nửa đầu năm, tỷ lệ thực hiện ở mức thấp hay thậm chí là thua lỗ.
Trên thị trường chứng khoán không thiếu những doanh nghiệp ngay từ đầu năm đặt kế hoạch tham vọng, tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư về một triển vọng tươi sáng nhưng qua 6 tháng đầu năm lại mới chỉ thực hiện được một tỷ lệ nhỏ so với mục tiêu đề ra.
Điển hình có thể kể đến CTCP Solavina (HNX: SVN) và CTCP Đầu tư KSQ (HNX: KSQ), cả hai cùng mới chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ kế hoạch cả năm 2017 sau nửa chặng đường và triển vọng hoàn thành trong nửa còn lại của năm có vẻ rất mờ mịt.
Solavina bắt đầu năm 2017 với mục tiêu tổng doanh thu 200 tỷ đồng, tăng 134% so với năm 2016 và lãi trước thuế 20 tỷ đồng, gấp 4 lần. Đây không phải là năm đầu tiên SVN đặt kế hoạch tham vọng, năm 2016 cũng trưng ra kế hoạch tổng doanh thu 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 33 tỷ đồng. Những con số có thể nói là quá cỡ so với thực tế khi mà mức doanh thu ghi nhận nhiều năm qua luôn dưới 100 tỷ đồng và lợi nhuận chưa bao giờ vượt quá con số chục tỷ.
Mặc khác, kể từ quý IV/2016 ghi nhận doanh thu thuần âm 7 tỷ đồng thì nửa đầu năm 2017 Công ty không có một đồng doanh thu nào và bị lỗ ròng 701 triệu đồng. SVN cho biết xét thấy mảng kinh doanh nông sản, thương mại giá cả bấp bênh nếu thu mua sẽ không đạt hiệu quả nên đã ngừng giao dịch. Trong khi đó, dự án mới được tập trung đầu tư năm 2017 là dược liệu sạch như cây cà gai leo, cao cà gai leo, nghệ đòi hỏi phải có thời gian mới đem về doanh thu.
Tượng tự, KSQ cũng đặt ra mục tiêu lớn lao cho hai năm liên tiếp là 2016 và 2017 với doanh thu lần lượt 450 tỷ và 300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 30 tỷ và 10 tỷ đồng. Nhưng thực tế thực hiện năm 2016 công ty chỉ hoàn hành 18% kế hoạch doanh thu và 3,6% kế hoạch lợi nhuận năm, trong khi nửa đầu năm 2017 doanh thu đạt vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 135 triệu đồng.
Với kết quả này, đích đến của KSQ còn rất xa khi qua nửa chặng đường 2017 công ty mới thực hiện được khoảng 1% kế hoạch kinh doanh năm. Đồng thời, trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh quý II/2017, Công ty cho biết lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do dự án mới vẫn chưa được triển khai.
Với CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH), tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo đã trình cổ đông mục tiêu doanh thu 873 tỷ đồng và lãi sau thuế 170 tỷ đồng, gấp đôi so với mức thực hiện năm 2016. Động lực cho kế hoạch tham vọng này là việc bán 8 dự án kỳ vọng mang về doanh số 1.275 tỷ đồng trong năm 2017, trong đó chủ yếu là bán Block 3, 4, 6 và khu TM dự án La Casa với doanh số 846,7 tỷ đồng.
Qua 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện rất tốt mục tiêu doanh thu nhưng về lợi nhuận thì còn thiếu rất nhiều so với chỉ tiêu. Cụ thể, VPH ghi nhận 567 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm, tương đương 66% kế hoạch năm và gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận ròng thì mới vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 18,7 tỷ đồng cùng kỳ 2016 và thực hiện có hơn 4% kế hoạch năm. Nguyên nhân bên cạnh giá vốn tăng mạnh không kém cạnh doanh thu thì việc lợi nhuận hoạt động khác bị hụt đi gần 16 tỷ đã khiến lợi nhuận ròng không tăng mà còn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Việc mới thực hiện được 4% kế hoạch lợi nhuận năm trong nửa đầu năm tạo áp lực khá lớn cho nửa cuối năm, song một đặc điểm ở VPH không thể không nhắc đến là điểm rơi lợi nhuận nằm ở quý cuối năm. Ví như năm 2015, quý IV Công ty đạt 100 tỷ đồng lãi ròng, chiếm đến 92,5% cả năm; quý IV/2016 đạt 54,3 tỷ đồng, chiếm 67% cả năm. Được biết, năm 2016, VPH không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm là do chưa bán dự án Nhơn Đức.
CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cũng đưa ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 400 tỷ đồng; lần lượt cao hơn 11% và gấp 7 lần con số thực hiện 2016. Qua 9 tháng đầu năm (niên độ 1/10/2016 – 30/9/2017), Công ty mới thực hiện được 12.276 tỷ đồng doanh thu thuần và bị lỗ 91 tỷ đồng trước thuế.
Nhìn lại dữ liệu quá khứ thì HVG cũng có điểm rơi lợi nhuận vào quý cuối của niên độ tài chính (1/7 – 30/9) tuy nhiên việc thực hiện được gần 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính là điều chưa có tiền lệ. Song, một điểm có thể khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào HVG là quyết định bán hàng loạt khu đất hiện có nhằm thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư. Cụ thể, Công ty rao bán các khu đất thuộc CTCP Địa ốc An Lạc gồm 94, Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6; 96 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6; 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6; khu đất theo tờ bản đồ số 7, số thử 23-24-25-26, xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Tại Địa ốc An Lạc, Hùng Vương được hưởng 76% giá trị kinh tế theo tỷ lệ vốn góp.
Ngoài các đơn vị trên thì CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) và CTCP TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) cũng mới thực hiện được dưới 20% kế hoạch lợi nhuận ròng sau 6 tháng đầu năm.
Các nhà đầu tư thường ưa thích cổ phiếu tăng trưởng, do đó tại thời điểm công bố kế hoạch kinh doanh hàng năm, khi lãnh đạo công ty đưa ra kế hoạch táo bạo sẽ khiến nhà đầu tư hưng phấn. Nhưng việc thực hiện liên tục không hoàn thành kế hoạch qua nhiều năm sẽ khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào công ty, và công tác dự báo kế hoạch cần được đưa ra sát với năng lực triển khai thực tế của mỗi doanh nghiệp.