"Các bạn trẻ bây giờ đã chín chắn hơn rồi. Nhiều bạn không chọn khởi nghiệp ngay nữa, họ cân nhắc rất nhiều yếu tố, bổ sung và tích lũy kinh nghiệm rồi mới ra đứng mũi chịu sào".
Cách đây hơn 1 năm, giai đoạn 2015 - 2016, Việt Nam chứng kiến phong trào khởi nghiệp bùng nổ mạnh mẽ. Hàng loạt các startup ra đời, từ công nghệ tới bán lẻ, và khá nhiều trong số đó gọi được những khoản vốn triệu đô từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
Chính phủ cũng thể hiện sự quan tâm tới việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp khi truyền tải những thông điệp và chính sách tích cực, với mong muốn hỗ trợ những startup non trẻ tốt nhất có thể.
Tuy nhiên,sau giai đoạn hưng thịnh, phong trào startup tại Việt Nam đang có dấu hiệu trầm lắng xuống. Đặc biệt là sau sự ra đi của một số startup từng được đánh giá là nhiều tiềm năng như Deca, beyeu (thương mại điện tử), the Kafe (F&B) hay nhiều cái tên khác nữa.
Nhìn nhận về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong khoảng 1 năm trở lại đây, ông Trần Anh Dũng - CEO MOG cho hay:
"Gần đây, phong trào khởi nghiệp đang có những nốt trầm, so ngay với 12 tháng trước đã thấy kém sôi động hơn hẳn. Song tôi cho đây là một dấu hiệu tốt".
Bởi theo CEO MOG, đây là quy luật tất yếu của quá trình hình thành và phát triển. Bản chất hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày một trưởng thành hơn. Các yếu tố như: con người, môi trường đang được sàng lọc kĩ càng, nên không còn hiện tượng khởi nghiệp theo khẩu hiệu, phong trào như trước...
Trong chương trình Cafe8, ông Dũng khẳng định: "Một năm qua tôi quan sát thấy, các founder đang ý thức được mình phải trưởng thành. Họ định hình rõ hơn về thứ mình muốn làm, muốn khởi nghiệp. Sẽ không còn các anh em ngẫu hứng, thích là startup, là khởi nghiệp nữa".
Sau giai đoạn phát triển nở rộ đầy hào hứng, các startup bắt đầu dừng lại và suy nghĩ kỹ càng hơn.
"Nếu như trước kia, khi tất cả đều chưa hiểu rõ và hô hào khởi nghiệp, vẽ ra những bức tranh màu hồng cho các bạn trẻ - thì giờ đây, chính các bạn trẻ đã hiểu rõ hơn về khó khăn, những góc tối trong khởi nghiệp", ông Dũng chia sẻ.
Ông khẳng định, chính vì người trẻ lường trước được rủi ro có thể gặp phải, nên họ đã khởi nghiệp thận trọng hơn. Thay vì đưa mình vào rủi ro với tỉ lệ 99% thất bại, người trẻ bây giờ bắt đầu với một lựa chọn an toàn hơn. Đó là họ sẽ đi làm thuê cho các startup tiềm năng, học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị cho ước mơ của riêng mình.
"Các bạn trẻ bây giờ đã chín chắn hơn rồi. Nhiều bạn không chọn khởi nghiệp ngay nữa, họ cân nhắc rất nhiều yếu tố, bổ sung và tích lũy kinh nghiệm rồi mới ra đứng mũi chịu sào".
CEO MOG dự đoán, đây sẽ là xu hướng chủ đạo của các startup trong những năm tới, khi hầu hết những người trẻ khởi nghiệp đều chọn theo con đường này.
Tất nhiên, ông Dũng không phủ nhận, cũng có những trường hợp các bạn sinh viên mới ra trường đã lập tức làm chủ ngay - khởi nghiệp và đã nhận về thành công.
Nhưng theo ông nhận định, con số này khá ít. Chủ yếu các startup thành công đi theo con đường này là nhờ có "xuất phát điểm" tốt.
"Bạn đó có thể là một người rất giỏi, hoặc nhà phải có điều kiện, hay có nhiều mối quan hệ tốt... Chung quy lại, bạn đó phải có nguồn lực sẵn có tốt, được như vậy sẽ bớt phải lo lắng nhiều thứ".
Còn nếu rơi vào trường hợp một bạn trẻ cò trong tay ít nguồn lực, nhưng vẫn khởi nghiệp, thì đó là một suy nghĩ không hợp lí, thậm chí là thiếu khôn ngoan, theo CEO MOG.
Vị CEO này nói thêm: "Có sẵn nguồn lực nào, là bớt lo, bớt phải tính toán được một việc. Ví dụ, founder có tài chính vững rồi thì chỉ cần lo về công nghệ, về co-founder, về con người là đủ. Còn cái gì cũng phải lo, thì rất khó mà khởi nghiệp".