Tăng giá dịch vụ, ACV thu thêm ngàn tỉ

Từ ngày 1-10, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam áp dụng giá dịch vụ mới.

Theo Quyết định 2345 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ngành hàng không áp dụng chính sách giá mới đối với một số dịch vụ mặt đất cung cấp trực tiếp cho hành khách hoặc các hãng hàng không từ ngày 1-10. Dù tăng giá trực tiếp đến người tiêu dùng hay tăng giá phục vụ các hãng hàng không, chi phí cuối cùng đều đánh thẳng vào túi tiền của hành khách đi máy bay.

Áp dụng không thống nhất

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) thông báo từ 1-10, áp dụng mức thu mới đối với phí phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách, hành lý cho các vé xuất mới và vé đổi.


Khách đi máy bay phải trả thêm tiền từ ngày 1-10Ảnh: TẤN THẠNH

Khách đi máy bay phải trả thêm tiền từ ngày 1-10Ảnh: TẤN THẠNH

"Đây là các khoản phí do Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không có trách nhiệm thu hộ và hoàn trả. Ngoài việc điều chỉnh mức thu phí này, VNA sẽ không tăng giá cước vận chuyển. Tất cả khoản mục cước vận chuyển, thuế, phí, lệ phí được VNA thể hiện chi tiết trên vé" - đại diện VNA cho biết.

Thực hiện đặt chỗ trong ngày 1-10, hành khách có thể nhận thấy chi phí cho vé máy bay đã tăng lên so với mức đặt vé ngày 30-9. Cụ thể, bay với VNA hành trình Hà Nội - TP HCM ngày 1-10 nhưng đặt vé ngày 30-9 có giá 3,32 triệu đồng/chiều, bao gồm 2,9 triệu đồng cước vận chuyển trả cho VNA và 420.000 đồng thuế, phụ phí VNA thu hộ. Trong đó, giá dịch vụ soi chiếu an ninh 10.000 đồng, giá phục vụ sân bay 70.000 đồng. Thế nhưng, khách đặt vé từ ngày 1-10 phải trả tổng chi phí 3,328 triệu đồng/chiều do giá dịch vụ soi chiếu an ninh tăng lên 13.000 đồng và giá phục vụ sân bay tăng lên 75.000 đồng.

Trong khi đó, Hãng hàng không Vietjet (VJ) đã tiến hành thu theo giá mới từ sớm. Từ ngày 10-9, hành khách đặt chỗ và thay đổi chỗ cho hành trình bay từ ngày 1-10 đã phải chịu mức giá soi chiếu an ninh và phí phục vụ sân bay mới. Sự thay đổi này không thể hiện chi tiết trong booking đặt vé của VJ vì hàng không giá rẻ chỉ thể hiện 3 khoản mục gồm: cước, các loại phí và thuế. Theo đó, giá vé chặng Hà Nội - TP HCM là 3,391 triệu đồng, bao gồm 2,87 triệu đồng cước vận chuyển, 220.000 đồng phí và 301.000 đồng thuế.

Một chuyên gia trong ngành giải thích đặc thù của ngành hàng không là vé chủ yếu được bán trước ngày bay. Do đó, có 2 cách hiểu: từ ngày 1-10, thu theo giá mới và thu theo giá mới ngay sau thời điểm quyết định có hiệu lực, áp dụng cho các chuyến bay từ ngày 1-10 đều không sai. Tuy nhiên, hành khách bị thu sớm sẽ bị thiệt so với hãng tiến hành thu từ ngày 1-10.

Chi phí khác đắt hơn vé khuyến mãi

Việc tăng giá dịch vụ hàng không theo Quyết định 2345 thực chất là tiến tới thu đúng, thu đủ và giảm dần bao cấp trong một số dịch vụ hàng không. Thực tế, mức giá dịch vụ hàng không do Bộ Tài chính ban hành trước đó đều có sự hỗ trợ đối với vận tải hàng không trong nước. Chẳng hạn, phí sân bay cho hành khách quốc nội chỉ bằng 14,8% so với khách quốc tế, dù chi phí đầu tư cho hạ tầng, dịch vụ nhà ga nội địa không kém nhiều.

Việc tăng giá cũng nhằm tạo nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà trọng tâm là giai đoạn 2017-2020 đang vô cùng cấp thiết. Trung bình mỗi năm, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không lên đến 5.600 tỉ đồng nhưng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ cân đối được khoảng 800 - 1.000 tỉ đồng.

Trong một tính toán trình lên Bộ GTVT, ACV cho biết với mức tăng giá như đã được phê duyệt, chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng thêm khoảng hơn 161 tỉ đồng (do điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ chuyên ngành), làm chi phí vé máy bay tăng khoảng 4.531 đồng/hành khách. Tính chung cả tác động tăng giá dịch vụ soi chiếu an ninh, phí phục vụ sân bay, tổng chi phí mỗi hành khách phải trả thêm cho một vé máy bay khoảng hơn 30.000 đồng.

ACV đánh giá tác động của sự điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đến hành khách là không đáng kể, tác động đến hãng hàng không cũng không lớn vì chi phí tăng thêm có tỉ trọng nhỏ so với lợi nhuận của các hãng, thị trường hàng không lại đang tăng trưởng tốt. ACV sẽ tăng thu trên 1.100 tỉ đồng từ lộ trình tăng giá này.

 

Hiện nay, thị phần hàng không giá rẻ vẫn tăng trưởng nhanh hơn hàng không truyền thống. Các hãng giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) và VJ liên tục tung ra hàng triệu giá khuyến mãi có mức thấp nhất từ 0 đồng. Ngay cả khi săn được vé 0 đồng, hành khách vẫn phải trả chi phí hơn 300.000 đồng/chiều. Đối với các loại giá 99.000 đồng, 199.000 đồng, 299.000 đồng thì rõ ràng, chi phí khác đã cao hơn cước vận chuyển.

 

Tăng giá 4 lần

Giá phục vụ hành khách bay nội địa tại các sân bay nhóm A (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Hải Phòng, Huế, Di Linh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc) sẽ có 4 lần điều chỉnh tăng, mỗi bước tăng là 5.000 đồng và tăng từ 70.000 đồng/khách/lượt hiện nay lên tối đa 100.000 đồng/khách/lượt từ ngày 1-7-2018. Các sân bay nhóm B tăng dần từ 60.000 đồng/khách/lượt lên tối đa 80.000 đồng/khách/lượt.

Phí soi chiếu an ninh cũng có 4 bước tăng giá với mức tăng dần từ 10.000 đồng/khách/lượt lên tối đa 20.000 đồng/khách/lượt.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ