Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gần 50% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng 10.600 tỷ sau hơn 6 tháng, đạt xấp xỉ 33.500 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).
REE được thành lập vào năm 1977, trở thành công ty đầu tiên chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty đại chúng bằng hình thức cổ phần hóa vào năm 1993. Đến năm 1996, Cơ điện lạnh cho ra mắt sản phẩm máy điều hòa không khí Reetech, đánh dấu một bước ngoặt mới trong sản phẩm của công ty.
Công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản từ năm 2001 bằng việc khởi công xây dựng tòa nhà e.town 1. Những năm tiếp theo, tòa nhà e.town 2, tòa nhà 366 Nguyễn Trãi, Q.5, tòa nhà số 9 Đoàn Văn Bơ, REE Tower… liên tục được khởi công xây dựng. Chức năng của phần lớn các tòa nhà này đều là tòa nhà văn phòng cho thuê.
Năm 2010, REE bắt đầu phát triển mảng Năng lượng và hiện đang sở hữu danh mục tài sản trải rộng từ thủy điện, điện than, điện gió, điện mặt trời với các nhà máy như Thuỷ điện Thác Bà (TBC), Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), điện gió Trà Vinh V1 - 3; Lợi Hải 2; Phú Lạc 2… Mảng năng lượng của Tập đoàn hiện đang được tiếp tục phát triển và quản lý bởi Công ty TNHH Năng lượng REE (REE Energy) – một công ty con sở hữu 100% bởi REE.
Sau gần nửa thế kỷ phát triển, REE hiện đã trở thành tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, nước và môi trường, bất động sản và dịch vụ M&E. Ngoài ra, REE còn là một trong hai doanh nghiệp tiên phong niêm yết cổ phiếu khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động năm 2000.
Động lực từ mảng năng lượng
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC), trong nửa sau năm 2024, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện trong sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ thời tiết El nino sẽ yếu dần từ tháng 6/2024 và chuyển sang La nina (El nino là thời tiết chủ đạo trong năm 2023). Giai đoạn khó khăn nhất của thủy điện sẽ rơi vào tháng 6 - 7/2024 – đỉnh điểm mùa khô hằng năm.
Tuy nhiên, trong năm 2024, tỷ lệ sản lượng điện giao trực tiếp (Qc) trong cơ cấu bán hàng của các nhà máy thủy điện sẽ lên đến 95-98% (thông thường là 85-90%), khiến giá bán trung bình của các nhà máy này giảm khoảng 20% YoY (tham gia thị trường điện cạnh tranh sẽ có giá bán tốt hơn).
Sang năm 2025, tỷ lệ Qc cho nhà máy điện có thể giảm về mức 85 – 90% nhờ 1) tình hình tài chính của EVN được cải thiện với việc tăng giá điện, 2) định hướng phát triển thị trường điện bán lẻ sẽ giảm dần tỷ lệ mua bán điện trực tiếp của EVN.
Với nhóm nhiệt điện, trong năm 2024, các tổ máy nhiệt điện sẽ hoạt động bình thường và giảm các chi phí bất thường (liên quan đến đại tu), giúp hỗ trợ NPATMI của PPC đạt mức 678 tỷ VND, (+56% YoY), đóng góp 161 tỷ VND vào NPATMI của REE.
Về tiến độ thoái vốn PPC, trong 4 và tháng 5/2024, REE đã thông báo chuyển nhượng khoảng 5 triệu cổ phiếu PPC và tiếp tục đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu PPC. Như vậy, REE đang thực hiện đúng lộ trình thoái vốn khỏi PPC, giả định hoàn tất chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu PPC, REE sẽ nhận về khoảng 150 tỷ VND và tỷ lệ sỡ hữu từ 23% về mức 20,5%.
Với nhóm năng lượng tái tạo, theo kế hoạch Quy hoạch điện 8, REE sẽ được triển khai 2 dự án điện gió với tổng công suất 128 MW trong giai đoạn 2023 – 2025, giúp tăng công suất danh mục điện gió từ 126 MW lên 254 MW (+100%) và ước tính đóng góp 700 tỷ VND vào định giá chung của REE.
Hiện tại, vẫn chưa có cơ chế giá mới cho điện gió trên bờ và gần bờ và BSC giả định các dự án này sử dụng giá điện chuyển tiếp. Mặc dù giá chuyển tiếp thấp hơn 30% so với giá FIT nhưng suất đấu tư cũng giảm khoảng 20-25% (tham khảo kế hoạch của REE) vì thế tỷ lệ lợi nhuận ròng/doanh thu của các dự án mới vẫn có thể đạt được khoảng 35% (các dự án điện gió cũ của REE đạt được 45%). BSC kỳ vọng vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, nhà máy có thể đi vào hoạt động chính thức.
Trong mảng ME, BSC đánh giá quý 4/2025 sẽ là điểm rơi lợi nhuận sau 2 năm khó khăn. với động lực từ dự án sân bay Long Thành và thị trường bất động sản phục hồi. Ngoài ra, BSC dự báo nguồn cung của thị trường bất động sản có thể rơi vào đầu quý 1/2025 sau khi thông qua luật đất đai mới và ban hành thông tư hướng dẫn luật.
Với mảng nước sạch, trong năm 2024, REE hạch toán 40 km tuyến ống mới này nhưng chưa phát sinh doanh thu dẫn đến tăng chi phí khấu hao và lỗ sau thuế ước tính khoảng 31 tỷ đồng. BSC kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành toàn bộ từ quý 2/2025, giúp nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm lên mức 600.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, nhà máy nước sạch Sông Đà đã hoạt động hết công suất từ năm 2022 và nhu cầu nước sạch ở Hà Nội vẫn còn lớn, do đó, BSC cho rằng nhà máy mới chỉ cần 4 năm để lấp đầy công suất.
Hà Linh
Đời sống Pháp luật