Hoạt động văn hoá tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương nằm trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu Kinh tế và Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ là giải thưởng do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Thương mại & Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) tổ chức vào ngày 3/8 vừa qua tại New Delhi (Ấn Độ). Giải thưởng được đánh giá theo tiêu chí UNESCO nhằm ghi nhận những nỗ lực phát triển vào bảo tồn nguyên những giá trị tâm linh, nét đẹp văn hoá của Việt Nam trong sự phát triển du lịch tâm linh bền vững.
Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và hơn 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Diễn đàn đã tạo ra cơ hội gặp gỡ, thúc đẩy giao lưu văn hóa và xúc tiến hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp của hai nước trong nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực du lịch, nổi bật có Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được đánh giá là một trong những hoạt động tiêu biểu tạo nên dấu ấn đa sắc màu trong văn hóa tâm linh của người Việt. Không chỉ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, giờ đây Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam còn được UNESCO trao tặng giải thưởng "Hoạt động văn hoá tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương".
Đại diện đơn vị lên nhận giải thưởng của UNESCO
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ở thành phố Châu Đốc đã có từ rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam bộ. Ngày 19/12/2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chứa đựng những dấu ấn lịch sử giai đoạn người Việt đến vùng đất An Giang. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu văn hóa, chính trị, kinh tế với người Hoa, Khmer, Chăm. Thông qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam góp phần gắn kết với đời sống tinh thần của người dân Châu Đốc, đồng thời giúp lưu giữ những giá trị lịch sử của cha ông trong hành trình khai mở vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Ngoài ra, Miếu Bà Chúa Xứ còn gần với chùa Huỳnh Đạo nên bạn có thể dễ dàng viếng thăm và hành hương sau khi tham gia lễ
Theo truyền thuyết, vào giai đoạn năm 1820 -1825, khi quân Xiêm xâm chiếm nước ta đã gặp 1 pho tượng đá lớn ngự đến đỉnh núi Sam. Chúng ra sức khiêng xuống núi nhưng đến một đoạn thì tượng Bà bỗng nặng trĩu, không thể nhấc lên được. Một người trong số đó vì quá tức giận nên đã làm gãy cánh tay trái của Bà nhưng ngay lập tức đã phải chịu sự trừng phạt.
Một thời gian sau, tượng Bà hiện về trong giấc mơ của nhiều người trong làng, tự xưng là Bà Chúa Xứ. Báo mộng rằng hãy khiêng tượng xuống núi lập miếu thờ, Bà sẽ bảo vệ dân làng khỏi giặc xâm lược và phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Nghe theo, cả làng hợp sức lại để khiêng tượng Bà Chúa Xứ xuống núi, nhưng không hiểu sao đến cả những thanh niên lực lưỡng đều không thể nhấc lên được. Lúc ấy, có một cô gái tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu đã nói rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh khiên. Quả nhiên, sau đó 9 cô gái đồng trinh đã có thể di chuyển Bà một cách dễ dàng. Xuống đến chân núi, tượng Bà bỗng trở nên nặng không thể di chuyển tiếp được. Từ đó, dân địa phương đã hiểu rằng đây chính là vị trí bà Chúa chọn và lập miếu thờ.
Du khách thập phương thường hay chọn viếng Bà vào dịp 24 đến 27 tháng 4 Âm lịch, thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Vì thế, vào thời gian này, Miếu Bà cực kỳ đông đúc và nhộn nhịp, đặc biệt vào ngày 25 vì đây là ngày vía chính. Tùy theo mục đích đến nơi đây để tham quan, cầu nguyện hay dâng lễ vật, bạn có thể chọn thời điểm thích hợp để đến với địa điểm tâm linh nổi tiếng này.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam đông đúc du khách tứ phương mỗi dịp Lễ hội diễn ra.
Có thể nói, giải thưởng chính là sự ghi nhận những nỗ lực cải tiến, bảo tồn và phát triển vẻ đẹp du lịch văn hóa tâm linh của Việt Nam trong sự phát triển bền vững của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; đồng thời cũng tạo công cụ hữu hiệu trong việc giáo dục các giá trị văn hóa nói chung và những giá trị văn hóa tinh thần nói riêng cho tất cả mọi người, góp phần giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của dân tộc.