Được cho rằng sẽ trở thành xu hướng đầu tư mới, vì sao các ETF nội vẫn khó hút tiền dù hàng chục quỹ đã ra mắt?

Dòng vốn vào các ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Nhiều quỹ từng hút ròng mạnh giai đoạn trước đang bị rút ròng liên tiếp trong những tháng gần đây.

 

Những năm gần đây, ETF đang dần trở thành xu hướng đầu tư trên toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các quỹ ETF được coi là phương án thay thế rẻ hơn và hiệu quả cho các quỹ đầu tư tương hỗ nhờ ưu thế về danh mục đầu tư đa dạng, chi phí giao dịch thấp và các tùy chọn giao dịch chênh lệch giá. Đặc biệt, ETF còn giúp nhà đầu tư ngoại có thể gián tiếp mua được các cổ phiếu đã hết room.

Với nhà đầu tư cá nhân không chuyên, việc mua chứng chỉ quỹ ETF sẽ giúp họ giải được bài toán lựa chọn cổ phiếu nào giữa hàng nghìn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và đem lại tỷ suất lợi nhuận ổn định, thậm chí vượt trội trong dài hạn so với việc tự ra quyết định giao dịch các cổ phiếu riêng lẻ. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vẫn thường khuyên đầu tư vào các quỹ ETF trong dài hạn với chiến lược mua trung bình giá (DCA) sẽ giúp mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt bởi về dài hạn, kinh tế luôn tăng trưởng.

Trong một chia sẻ cách đây không lâu, ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam đánh giá: “Có thể bây giờ ETF là sản phẩm ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng bạn tin tôi đi, chỉ một vài năm nữa thôi ETF sẽ là một sự lựa chọn phải có của những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam” .

Số lượng ETF nội tăng vọt nhưng dòng tiền cục bộ, nhiều quỹ gần như không hút được thêm tiền sau IPO

Từ đầu năm 2022 đến nay, làn sóng ETF bắt đầu bùng nổ trên thị trường chứng khoán Việt Nam với sự xuất hiện của một loạt cái tên mới cả ngoại và nội như CSOP FTSE Vietnam 30 ETF, DCVFM VNMidcap ETF, KIM VNFinSelect ETF, MAFM VNDiamond ETF, FCAP VNX50 ETF.

Riêng trong năm ngoái, tổng giá trị dòng tiền vào Việt Nam qua các quỹ ETF lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 2/3 con số trên đến từ các ETF ngoại trong đó riêng Fubon ETF đã hút ròng đến gần 13.500 tỷ đồng. VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay iShare MSCI Frontier and Select EM ETF cũng đều hút ròng trên nghìn tỷ.

Nhóm ETF nội hút tiền yếu hơn rõ rệt với giá trị hút ròng vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Dù có đến 11 quỹ ETF (tính đến cuối năm 2022) nhưng dòng vốn chủ yếu chỉ tập trung trên DCVFM VNDiamond ETF (hút 7.800 tỷ đồng trong năm 2022) và một phần nào đó là SSIAM VNFinLead (hút 1.050 tỷ đồng trong năm 2022). Các quỹ còn lại hút tiền rất hạn chế, thậm chí một số cái tên còn bị rút ròng.

Được cho rằng sẽ trở thành xu hướng đầu tư mới, vì sao các ETF nội vẫn khó hút tiền dù hàng chục quỹ đã ra mắt? - Ảnh 1.

Thực tế, trong phần lớn thời gian của năm ngoái, chỉ có DCVFM VNDiamond ETF là cái tên duy nhất duy trì trạng thái hút tiền thường xuyên. Các ETF khác đều có những khoảng thời gian dài bị rút ròng, đặc biệt trong nửa đầu năm. Phải đến những tháng cuối năm, dòng vốn vào các ETF nội mới đảo chiều chủ yếu nhờ động thái bắt đáy “ồ ạt” của khối ngoại trong giai đoạn thị trường giảm sâu xuống đáy dài hạn.

Xu hướng trên kéo dài sang đầu năm 2023 trước khi chững lại và quay đầu rút ròng thời gian gần đây. DCVFM VNDiamond ETF đang có tháng thứ 2 liên tiếp bị rút ròng hàng trăm tỷ, quy mô dòng vốn vào từ đầu năm bị thu hẹp xuống còn 200 tỷ đồng. DCVFM VN30 ETF dù hút ròng trên 500 tỷ nhưng chủ yếu tập trung vào tháng 1 sau đó đã chững lại và cũng bị rút ròng 2 tháng gần đây. SSIAM VNFinLead ETF giảm tốc hút tiền trong khi những cái tên còn lại vẫn khá “ì ạch”.

Được cho rằng sẽ trở thành xu hướng đầu tư mới, vì sao các ETF nội vẫn khó hút tiền dù hàng chục quỹ đã ra mắt? - Ảnh 2.

Vì sao ETF nội khó hút tiền?

Sau giai đoạn vào “ồ ạt” trong khoảng 3 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, tiền ngoại đã chững lại rõ rệt sau khi định giá thị trường không còn quá hấp dẫn. P/E của VN-Index tăng vọt sau số liệu lợi nhuận quý 4/2022 của các doanh nghiệp niêm yết được công bố là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam, trong đó ETF là một kênh quan trọng.

Bên cạnh yếu tố định giá, việc thiếu những lựa chọn, đa dạng và chất lượng cũng là một yếu tố khiến các ETF nội khó hút tiền. Về cơ bản, dựa theo đặc thù của bộ chỉ số tham chiếu, có thể chia các quỹ ETF nội thành 3 nhóm là tài chính, hết room và nhóm các bộ chỉ số (VN30, VNX50 hay VN100).

Phần lớn các ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều tham chiếu theo VN30 với tiêu chí quan trọng là vốn hoá và freefloat, có thể kể đến như KIM VN30 ETF, DCVFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF,… Các quỹ khác tham chiếu theo các rổ chỉ số như VNX50, VN100 không có nhiều điểm khác biệt so với VN30, thậm chí còn có phần kém hấp dẫn hơn do danh mục dàn trải hơn, nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp hơn.

Nhóm này thường hút vốn mạnh nhờ dòng tiền nhập cuộc bắt đáy khi thị trường giảm sâu và ngược lại thường chịu áp lực bán mạnh khi định giá tăng cao. Thời điểm hiện tại, sau nhịp hồi phục mạnh từ đáy hồi giữa tháng 11, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn đã không còn hấp dẫn khiến nhóm ETF này trở nên khó hút vốn ngoại.

Nhóm tham chiếu theo bộ chỉ số tài chính gồm SSIAM VNFinLead ETF, KIM VNFinSelect ETF có danh mục chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng - đối tượng cũng rất được khối ngoại săn đón. Room ngoại đối với cổ phiếu nhóm này là rào cản chủ yếu đối với các tổ chức lớn có mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cá nhân vẫn có thể dễ dàng mua/bán do đặc thù freefloat cao và nhiều cổ phiếu vẫn thừa room tương đối. Vì thế, nhu cầu đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ ETF không quá lớn.

Hút khối ngoại nhất là nhóm hết room với 2 đại diện là DCVFM VNDiamond ETF và MAFM VNDiamond ETF lại đang gặp những vấn đề nhất định. Một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong bộ chỉ số VNDiamond như MWG, PNJ cũng đang đánh mất phong độ do tình hình kinh doanh gặp phải nhiều thách thức do suy thoái.

Ngoài ra, DCVFM VNDiamond ETF còn vướng giới hạn về quy mô (do điều lệ quy định không đầu tư quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu, hiện đã mua ~ 10% cổ phần PNJ). Không thể tăng tỷ trọng vào một số cổ phiếu khi NAV hiện đã vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng cũng là một rào cản khiến quỹ khó hút tiền.

Một quỹ khác là DCVFM VNMidcap ETF do Dragon Capital quản lý cũng không để lại nhiều ấn tượng bởi danh mục dàn trải và các cổ phiếu cũng không quá hấp dẫn với khẩu vị nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh những yếu tố trên, dòng vốn ETF vào Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng khỏi các tài sản tài chính rủi ro cao vẫn đang diễn ra trên toàn cầu. Dù chưa được ghi nhận là một thị trường mới nổi (EM) nhưng SGI Capital nhận định chứng khoán Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với dòng tiền đầu tư nước ngoài. “ Dòng tiền phân bổ vào kênh cổ phiếu trên toàn cầu suy giảm sẽ là tác động trực tiếp đến thị trường và dòng vốn FII có thể sẽ rút ròng khỏi chứng khoán Việt Nam qua các ETF, Quỹ mở, và P-notes... thời gian tới ” , quỹ đầu tư nhận định.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ