Tính từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại đã bán ròng đến gần 1.600 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HoSE.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên đảo chiều tăng điểm qua đó chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn tiếp tục đà bán ròng với giá trị có chiều hướng tăng dần. Trong 4 phiên gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HoSE. Luỹ kế từ đầu tháng 4 đến nay, giá trị bán ròng đã lên đến gần 1.600 tỷ đồng.
Định giá không còn quá hấp dẫn
Áp lực bán của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường vừa có một nhịp hồi kéo dài. Nhiều cổ phiếu thậm chí đã tăng mạnh đến hàng chục % chỉ trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây. Định giá thị trường cũng không còn thực sự rẻ với P/E của VN-Index vào khoảng 12,x lần và có thể còn đắt hơn nữa sau mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 tới đây.
Theo ước tính của VDSC, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm có thể tăng trưởng âm 17% so với cùng kỳ, dựa trên kịch bản dự báo cơ sở về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mang tính đại diện cho các nhóm ngành mà đội ngũ phân tích lựa chọn. Theo VDSC, tăng trưởng quý 1 chủ yếu bị kéo giảm bởi một số cổ phiếu trong ngành bất động sản và hàng tiêu dùng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu LNST cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng được kỳ vọng đi ngang.
Rõ ràng, định giá là một yếu tố rất quan trọng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, khối ngoại từng có giai đoạn mua ròng “ồ ạt” từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 1/2023 và đem đến hy vọng về sự trở lại sau thời gian dài bán ròng triền miên. Tuy nhiên, động thái này trên thực tế lại chỉ mang tính thời điểm, nhập cuộc khi chứng khoán Việt Nam liên tục giảm sâu kéo theo định giá xuống thấp kỷ lục.
Từ đầu tháng 2, khối ngoại đã bắt đầu chững lại và có dấu hiệu đảo chiều khi định giá thị trường tăng cao sau nhịp hồi mạnh và số liệu lợi nhuận quý 4 (công bố cuối tháng 1/2023) của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng âm. Lực bán được cân lại phần nào nhờ động thái cơ cấu của VNM ETF và đợt huy động vốn bổ sung của Fubon ETF. Tuy nhiên, những động lực này đã không còn hoặc dần phai nhạt thời gian gần đây.
“Cá mập” hết dư địa giải ngân
VNM ETF sau khi hoàn tất cơ cấu chuyển đổi danh mục sang “full” cổ phiếu Việt Nam đã không hút thêm tiền. DCVFM VNDiamond ETF vướng giới hạn về quy mô (do quy định không đầu tư quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu) trong khi DCVFM VN30 ETF lại liên tục bị nhà đầu tư Thái Lan bán ròng.
Fubon ETF trở thành niềm hy vọng chính trong nhóm quỹ hoán đổi khi vẫn đang trong thời gian huy động vốn bổ sung đợt 5 để đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, quỹ ngoại này lại bất ngờ không hút được tiền kể từ đầu tháng 4, thậm chí còn bị rút ròng nhẹ. Đây là một điểm khá lạ bởi trong các đợt huy động vốn trước đó, Fubon ETF thường giải ngân rất dồn dập. Định giá không còn quá hấp dẫn có thể là một trong những nguyên nhân khiến ETF này khó hút tiền.
Ngoài ra, áp lực bán ròng còn đến từ nhiều phía, trong đó có các quỹ ngoại chủ động lớn. Điển hình như VEIL - quỹ tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, duy trì trạng thái gần như “full” cổ phiếu trong suốt nửa cuối tháng 3 với tỷ trọng tiền mặt rất thấp chỉ 0,5-0,8%. Quỹ ngoại này không còn dư địa giải ngân mới từ đầu tháng 4 và không loại trừ khả năng đã quay đầu bán ròng.
Trong báo cáo mới đây, SGI Capital cũng nhận định, khi chính sách trong nước quay lại hỗ trợ, rủi ro lớn nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tới từ áp lực bán ròng của khối ngoại. Chứng khoán Việt Nam dù chưa được ghi nhận là một thị trường mới nổi (EM) nhưng cũng đã hội nhập sâu rộng với dòng tiền đầu tư nước ngoài.
Dòng tiền phân bổ vào kênh cổ phiếu trên toàn cầu suy giảm sẽ là tác động trực tiếp đến thị trường. Theo SGI Capital, dòng vốn FII có thể sẽ rút ròng khỏi chứng khoán Việt Nam qua các ETF, Quỹ mở, và P-notes... thời gian tới.
Ngoài ra, yếu tố được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích giúp chứng khoán Việt Nam hút khối ngoại đến từ câu chuyện nâng hạng lại đang nhạt dần theo thời gian sau quá nhiều năm lỡ hẹn. Thậm chí, FTSE Russell mới đây nhấn mạnh sự lo ngại liên quan tới thời điểm thực hiện cải cách thị trường hiện chưa được cụ thể hóa. Nếu điều này vẫn chưa rõ ràng hoặc thời gian thực hiện bị kéo dài, tổ chức này có thể sẽ xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 ở kỳ đánh giá tiếp theo diễn ra vào tháng 9/2023.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường