Ông chủ LVMH lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới

Năm 2023 đánh dấu năm đầu tiên “ông trùm” ngành hàng xa xỉ Bernard Arnault đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới với khối tài sản 211 tỷ USD nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc tại LVMH.

 

Arnault hiện sở hữu 170,8 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, và 188,6 tỷ USD, theo Forbes. Tuần trước, ông đã vượt CEO Tesla Elon Musk để dẫn đầu danh sách của Forbes. Đến hôm qua, tỷ phú tiếp tục vượt lên trong bảng xếp hạng của Bloomberg.

Đây là lần đầu tiên ông chủ đế chế kinh doanh hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH giữ vị trí này. Dù việc thị trường chứng khoán đi xuống khiến tài sản của Arnault ảnh hưởng phần nào, ông chỉ mất khoảng 7,2 tỷ USD năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với các tỷ phú công nghệ khác trong top đầu danh sách người giàu. Nguyên nhân là nhu cầu hàng xa xỉ vẫn mạnh kể cả khi đại dịch đã hạ nhiệt.

Trong ba thập kỷ, Arnault biến LVMH thành gã khổng lồ hàng xa xỉ bán từ rượu, hàng thời trang, túi xách, phụ kiện, đồng hồ, trang sức, khách sạn lưu trú, nước hoa và mỹ phẩm thông qua hơn 5.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Tỷ phú cũng nhanh chóng nắm bắt được Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường trọng điểm và mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ở Bắc Kinh năm 1992.

LVMH nổi tiếng là nơi đào tạo những nhà thiết kế đầy tham vọng tìm cách tạo dựng tên tuổi cho mình như: Marc Jacobs và Virgil Abloh tại Louis Vuitton, Raf Simons tại Christian Dior, Phoebe Philo tại Celine. Tất cả họ đều để lại cho các thương hiệu di sản mới lạ, khiến chúng phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi.

LVMH đạt doanh thu 64 tỷ euro (68 tỷ USD) năm ngoái, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với năm đại dịch 2020. Arnault và gia đình sở hữu khoảng 48% cổ phần trong LVMH, với 64% quyền biểu quyết. Đầu năm nay, LVMH - tập đoàn hiện có giá trị lớn nhất châu Âu với vốn hóa 365,7 tỷ euro - dỡ bỏ giới hạn độ tuổi của giám đốc điều hành. Điều này cho phép Arnault nắm quyền lãnh đạo đến năm 80 tuổi, một dấu hiệu cho thấy ông dự định nắm quyền lâu hơn, trước khi trao lại cho 5 con.

Dù gây dựng LVMH bằng hàng loạt thương vụ thâu tóm thành công, Arnault cũng có nhiều thất bại để đời. Ông từng thua tỷ phú Francois Pinault (Pháp) trong việc mua Gucci. Hiện thương hiệu này thuộc Kering. Ông cũng thất bại khi muốn mua Hermes International - hãng sản xuất túi xách Birkin nổi tiếng. Một thành viên trong gia đình Hermes từng gọi ông là "sói già mặc cashmere" vì cách tiếp cận theo hướng "nuốt chửng" của tỷ phú.

LVMH là đế chế kinh doanh đồ xa xỉ lớn nhất thế giới, nhưng Arnault lại rất kín tiếng. Tỷ phú 73 tuổi nằm trong danh sách người giàu từ lâu, nhưng không như Musk và nhiều người khác, ông ít khi xuất hiện trước công chúng và không tích cực hoạt động trên mạng xã hội.

Để tránh gây sự chú ý, Arnault hồi tháng 10 thông báo LVMH đã bán máy bay riêng của hãng này. Nguyên nhân là các tài khoản Twitter theo dấu máy bay của các tỷ phú lên án việc chúng tạo ra khí thải carbon. Chủ đề này nhanh chóng được chú ý tại Pháp, khiến nhiều chính trị gia đề xuất cấm hoặc đánh thuế máy bay riêng.

"Tập đoàn có máy bay và chúng tôi đã bán nó rồi", Arnault cho biết trên Radio Classique - cũng thuộc sở hữu của LVMH, "Giờ sẽ chẳng ai xem được tôi đi đâu vì tôi sẽ thuê máy bay".

Tỷ phú có chế độ ăn kiêng nghiêm khắc và chơi tennis thường xuyên. Ông còn thích sưu tầm nghệ thuật và tham gia khai trương bảo tàng văn hóa - nghệ thuật Fondation Louis Vuitton tại Paris năm 2014.

Arnault cũng gây dựng đế chế riêng trong LVMH. Ông có 5 người con qua 2 cuộc hôn nhân. Tất cả họ đều đang làm việc cho LVMH hoặc các thương hiệu con của tập đoàn.

Theo Bloomberg Billionaires Index, phần lớn tài sản của Arnault đến từ 97,5% cổ phần trong Christian Dior. Công ty này kiểm soát 41% cổ phần LVMH. Gia đình Arnault cũng nắm thêm 6% cổ phần của LVMH nữa.

Nghiêm Ngọc

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ