Doanh nghiệp cần hành lang pháp lý ổn định

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 4.4 cho thấy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có một môi trường pháp lý ổn định. Với rủi ro pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ chịu tác động lớn, còn doanh nghiệp lớn không muốn đầu tư lớn.

 

Tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu ra một số “dòng chảy” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, trước bối cảnh năm 2022 là một năm nhiều biến động và thách thức đối với kinh tế thế giới và Việt Nam.

Theo đó, các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó, chẳng hạn như cắt giảm các loại thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để kiềm chế giá xăng dầu - nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Tuân phủ pháp luật là bắt buộc nhưng cũng liên quan đến cách điều hành, vận hành, ban hành chính sách. Những doanh nghiệp lớn đầu ngành như những con tàu lớn, không thể phanh gấp nên rất cần môi trường kinh doanh ổn định”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, Báo cáo của VCCI công bố cho thấy, năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có một số “dòng chảy” chính như: Các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt; các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy…

Tuy nhiên, bên cạnh việc rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Bởi, nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ: Các quy định về phòng cháy, chữa cháy…) vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ.

Cùng với đó, năm 2022, có những vấn đề “nóng” đòi hỏi nhà quản lý phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như: Hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của doanh nghiệp trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh…

Theo điều tra của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm, năm 2021 thì chỉ còn 4,55% doanh nghiệp dự đoán được. Theo VCCI, với rủi ro pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ chịu tác động lớn, còn doanh nghiệp lớn trong nước lại không muốn đầu tư lớn. Rủi ro pháp lý tác động đến mọi doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp FDI được bảo hộ bởi Chính phủ và các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam. Khi làm ăn quá bất lợi, họ có thể ra đi còn doanh nghiệp Việt Nam thì không.

Ông Nguyễn Minh Đức - thành viên nhóm nghiên cứu Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” cho rằng, tính ổn định của pháp luật rất quan trọng đối với các dự án đầu tư. Dù không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật đứng yên mãi mãi. Pháp luật vẫn phải điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Đức, hệ thống pháp luật cũng không thể thay đổi liên tục. Khi phải thay đổi, các giải pháp luôn cần tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì tính ổn định để tạo lập niềm tin kinh doanh và việc điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn. Giảm rủi ro pháp lý, không còn sự thay đổi đột ngột, giật cục là điều mong muốn, là tạo sự ổn định, giữ được niềm tin - ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo báo cáo của VCCI việc giảm rủi ro pháp lý không chỉ tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của kinh tế tư nhân mà còn giúp các doanh nghiệp này sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn để xây dựng nhà xưởng kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư cho nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D) và xây dựng thương hiệu. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn “chộp giật”. Việc giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn - Báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ