Bánh nhãn Hải Hậu: Tưởng là nhãn mà lại không phải nhãn

Bánh nhãn Hải Hậu là một trong những đặc sản nức tiếng đất Thành Nam mà bất cứ ai đến đây đều muốn mang về làm quà cho gia đình bè bạn.

 

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về là người dân ở thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lại tất bật với hàng trăm mẻ bánh nhãn mỗi ngày. Đã từ lâu, bánh nhãn trở thành thương hiệu của vùng đất Hải Hậu, nhắc đến Hải Hậu là nhắc tới bánh nhãn, hay cứ nói đến bánh nhãn là phải nói tới làng nghề truyền thống làm bánh nhãn Đông Cường, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu. Trải qua bao biến cố, đến nay, làng nghề vẫn giữ được uy tín, xây dựng được thương hiệu để lớp lớp người dân nơi đây bao đời tự hào.

Làm bánh nhãn không cầu kỳ bởi nguyên liệu đơn giản, chỉ có bột nếp, trứng gà, đường kính, vừng, lại ít công đoạn. Nhưng để tạo ra những viên bánh hoàn chỉnh cuối cùng thì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bởi đúng như tên gọi của loại bánh này, bánh có hình dạng là những hột nhỏ chỉ bằng quả nhãn, do vậy, người làm bánh thủ công phải cần cù, nhẫn nại ngồi vê từng viên bánh một. Có lẽ, chính ở cái đơn giản của nguyên liệu, của công đoạn nhưng lại đòi hỏi ở người làm sự tỉ mỉ trong việc vê bánh đã tạo nên sức hấp dẫn của loại bánh này, tạo cho bánh vị thơm bùi, ăn có cảm giác nhẹ nhàng, thân thuộc.

Vì sao gọi là bánh nhãn

Nhiều người khi mới nghe tên bánh nhãn hay lầm tưởng bánh sẽ được làm từ quả nhãn, long nhãn hoặc có mùi vị trái nhãn. Nhưng không phải vậy, bánh nhãn được làm từ những nguyên liệu rất đỗi gần gũi với đời sống chúng ta hàng ngày. Hoàn thiện sau nhiều công đoạn, bánh có hình tròn xoe, màu vàng ươm giống quả nhãn nên người ta đặt luôn cho nó cái tên dung dị là bánh nhãn.

Không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng hiện nay bánh nhãn Hải Hậu được làm phổ biến tại các hộ gia đình ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) và một vài hộ ở các xã xung quanh. Tên gọi “bánh nhãn” là do người dân địa phương đặt ra theo hình dạng và màu sắc của loại bánh này.

Thực tế, nguyên liệu để làm ra bánh chỉ có bột nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn mà không có gì liên quan đến “nhãn” ngoại trừ hình dáng sau cùng.

Bánh nhãn Hải Hậu – món quà của đất Nam Định dược khách thập phương ưa chuộng

Bánh nhãn có thể được ăn riêng, nhưng thưởng thức bánh nhãn với ấm trà mạn nóng hổi chúng ta mới cảm nhận hết vị ngon của thứ quà quê này.

“Những người sành ăn thường chọn loại bánh nhãn có kích thước to, màu sắc tươi tắn, bởi đây là loại bánh được làm bằng trứng gà ta và vê bằng tay” - ông Hòa (chủ một cơ sở sản xuất bánh nhãn ở phố Đông Biên, thị trấn Yên Định) nói.

Trước đây, bánh nhãn chỉ được vê thủ công bằng tay. Nếu là thợ lâu năm thì mỗi ngày sẽ vê được khoảng 10kg bánh. Nhưng hiện nay nhiều hộ làm nghề đã chuyển sang sử dụng các công cụ hiện đại để tăng năng suất và cho ra đời số lượng lớn sản phẩm với chất lượng đều đặn và đảm bảo.

Bên cạnh bánh nhãn, nhiều hộ gia đình cũng đã sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm khác như: bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi… Nhờ đó, thu nhập của thợ làm bánh tăng lên, mỗi ngày khoảng 100 - 150 nghìn đồng/người, vào những tháng cao điểm ngày công có thể lên tới trên 200 nghìn đồng/người.

Mặc dù bao bì đóng gói còn khá đơn giản nhưng bánh nhãn Hải Hậu vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhờ chất lượng sản phẩm. Ngày nay, bánh nhãn Hải Hậu đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cho đến TP Hồ Chí Minh…

Để hoạt động sản xuất bánh nhãn cũng như các mặt hàng khác phát triển bền vững, những năm qua các cấp chính quyền ở Hải Hậu đã có nhiều hoạt động giúp nhân dân mở rộng sản xuất như: xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thành lập tổ quản lý làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, tập huấn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bánh nhãn Hải Hậu: Tưởng là nhãn mà lại không phải nhãn

Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền cũng như các hộ dân, tin chắc rằng bánh nhãn Hải Hậu cũng như các sản phẩm truyền thống khác của địa phương sẽ được nhiều người biết đến và lựa chọn. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương mà còn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ