Một số người sẽ nghĩ rằng Việt Nam là 1 thị trường đơn tính, nhưng trên thực tế có khá nhiều khác biệt trong văn hóa giữa hai miền Nam Bắc, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và cách làm startup ở mỗi nơi.
Với dân số 90 triệu người, Việt Namlà thị trường lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, đứng sau Indonesia và Philippines. Giống như nhiều nước láng giềng, Việt Nam cũng có dân số rất trẻ với khoảng 40% dân số dưới độ tuổi 25. Đây sẽ là thế hệ người tiêu dùng tiếp theo và mang đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn tận dụng tiềm năng của 1 thị trường mới nổi. Ngoài ra, 50% dân số Việt sử dụng Internet và hơn 1/3 sử dụng smartphone.
Một số người sẽ nghĩ rằng Việt Nam là 1 thị trường đơn tính, nhưng trên thực tế có khá nhiều khác biệt trong văn hóa giữa hai miền Nam Bắc, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và cách làm startup ở mỗi nơi.
Miền Nam và miền Bắc
Lịch sử bị chia cắt đã tạo nên sự khác biệt trong văn hóa của hai miền Nam Bắc. Lê Thanh Sơn, kỹ sư phần mềm của IBM Watson và là người sáng lập cộng đồng Startup Grind, sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh. Theo anh, người miền Nam tỏ ra phóng khoáng hơn và có cách kinh doanh trực diện hơn.
Cũng đồng tình với ý kiến này, Khôi Nguyễn, sáng lập và CEO của WeFit cho rằng TP Hồ Chí Minh là nơi thích hợp với những startup cung cấp dịch vụ hướng đến người tiêu dùng sau cùng (end-consumer services).
Alvin Koh, người sáng lập và hiện là CEO của Peko Peko (có trụ sở ở Hà Nội) đã ở Việt Nam được 3 năm. Anh quan sát và nhận thấy người miền Bắc thích tích lũy tiền bạc trong khi người miền Nam có thể tiêu hết số tiền mình kiếm được. Còn Dương Thế Vinh, đồng sáng lập và CEO của Cititech (có trụ sở ở TPHCM), cho rằng các startup ở miền Bắc thường thích ra thị trường nước ngoài ngay từ đầu, thay vì thử nghiệm sản phẩm ngay tại Hà Nội.
Môi trường startup ở Việt Nam còn đa dạng hơn nữa với nhóm những Việt Kiều trở về nước sau khi nhận thấy ở quê nhà đang có nhiều cơ hội. Năm 2015, lượng kiều hối lên tới 12,3 tỷ USD (theo số liệu World Bank).
Những người này không chỉ mang tiền về mà còn mang theo cả những kỹ năng điều hành doanh nghiệp và các mối quan hệ. Một ví dụ là Sonny Vu, người Mỹ gốc Việt đã thành lập MisFit Wearables Corp, công ty được Fossil Group mua lại với giá 260 triệu USD. Bình Trần, đồng sáng lập startup Klout ở thung lũng Silicon hiện đang điều hành hoạt động của quỹ 500 Startup ở Việt Nam.
Đỗ Anh Minh, Giám đốc truyền thông Vertex Ventures và là cái tên khá quen thuộc trong giới công nghệ và khởi nghiệp với những bài viết sắc sảo trên trang TechinAsia, nhận định những người Việt đi du học có lợi thế rất lớn bởi họ hiểu sâu sắc về văn hóa, đời sống. Dường như họ đang cố gắng áp dụng lý trí của phương Tây để hiểu hơn về tinh thần của phương Đông, và đi từ Đông sang Tây rồi lại quay trở lại phương Đông sẽ là cách dễ dàng nhất.
Những cơ hội ở thị trường Việt Nam
Giống như các thị trường mới nổi khác ở Đông Nam Á, tầng lớp có thu nhập trung bình có trình độ học vấn tốt đang ngày càng lớn mạnh là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nhân. Thương mại điện tử cũng là thị trường đang tăng trưởng ở Việt Nam, đạt quy mô 4,1 tỷ USD trong năm 2015, tức mỗi năm tăng trưởng 37%.
Cao Nguyễn – người sáng lập và CEO của UseData – là một trong số những người tận dụng làn sóng này. Theo anh, 95% các cửa hàng thương mại điện tử đang sử dụng quảng cáo để đem về doanh thu. Nhưng đây là cách làm không hiệu quả. Cách làm của UseData là cá nhân hóa các thông điệp truyền đến khách hàng để xây dựng mối quan hệ bền vững, từ đó doanh thu sẽ tăng trưởng.
Nhóm trung lưu muốn sống khỏe cũng là 1 xu hướng mà các startup đang khai thác. Đây chính là lý do khiến Khôi Nguyễn quyết định thành lập WeFit, ứng dụng cung cấp mã hàng tháng được chấp nhận tại hàng trăm phòng tập gym ở Hà Nội và TPHCM.
“Một trong những lợi thế lớn trong kinh doanh công nghệ ở Việt Nam là chúng tôi có rất nhiều nhân tài với chi phí hoạt động ở mức thấp”, nhà sáng lập Cititech nói. Nhiều trường đại học có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đã từng được đào tạo ở nước ngoài, tạo ra những lập trình viên chất lượng cao. Bên cạnh đó các công ty công nghệ và startup nước ngoài xây dựng đội ngũ kỹ thuật ở TPHCM cũng giúp nâng cao mặt bằng chung.
Nhận xét về các doanh nhân khởi nghiệp ở Việt Nam, Khôi Nguyễn cho rằng họ làm việc rất chăm chỉ, trung bình dành 14 đến 16 giờ để làm việc. “Họ cũng rất thích họp, đặc biệt là những cuộc họp không chính thức. Hầu hết các nhà sáng lập đều có nền tảng kỹ thuật và rất mạnh về phần mềm”.
Theo Cao Nguyễn, hầu hết các startup được xây dựng bởi những người trẻ tuổi chưa có nhiều kỹ năng, mạng lưới quan hệ và kinh nghiệm. Điều này có ảnh hưởng đến thành công, nhưng người trẻ lại có lợi thế là họ sẵn sàng làm việc hăng say, sẵn sàng thất bại và thử lại nhiều lần nếu thất bại.
Khôi Nguyễn chú ý đến những sáng kiến hỗ trợ cộng đồng startup của Chính phủ. “Bây giờ ai cũng nói về startup, và rất nhiều người đã bắt đầu thứ gì đó trong năm vừa qua. Chính phủ hỗ trợ bằng cách điều chỉnh luật, tổ chức một số sự kiện xúc tiến”.
Những thách thức không nhỏ
Thiếu vốn là một trong những khó khăn lớn nhất. Khôi chia sẻ rất khó để thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ban đầu, trong khi nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm thì phải trải qua quá trình rất lâu. Do đó khởi điểm bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất vì sản phẩm mới, chưa hoàn thiện và có quá nhiều mối hoài nghi về nó.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang ở trong giai đoạn trứng nước và các nguồn lực cũng bị hạn chế: còn thiếu không gian làm việc chung, thiếu hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm hay các chương trình hỗ trợ startup. Nhà đầu tư thiên thần là khái niệm khá mới.
Lê Thanh Sơn nhìn thấy khó khăn nằm ở rào cản ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ khác biệt, các startup Việt thường gặp phải những khó khăn nhất định khi tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Theo anh, startup Việt cần hợp tác với nước ngoài nhiều hơn để tiếp xúc và chuyển giao công nghệ thuận tiện.
Lời khuyên nào cho startup Việt?
Theo Alvin, gọi vốn từ gia đình và bạn bè sẽ giúp ích rất nhiều cho các startup. “Trong gọi vốn, số nhà đầu tư thiên thần và các quỹ ươm mầm ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, quá trình gọi vốn không hề nhanh hơn. Hãy dự tính khoảng 3 đến 6 tháng cho thời gian gọi vốn, và hãy lựa chọn thời điểm một cách thông minh”.
“Hãy xây dựng những mối quan hệ thân thiết – điều rất quan trọng ở Việt Nam. Đừng chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Việt Nam là 1 thị trường mới nổi đầy tiềm năng có rất nhiều nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng. Một startup có cách làm tuyệt vời với những thứ giản đơn sẽ thành công”, anh Lê Thanh Sơn nói.