"Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup nói với phóng viên Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast.
Cách đây vài tuần, tôi (phóng viên của Financial Times) đã có một chuyến thăm Việt Nam. Từ Hà Nội đi về phía Đông, tôi có mặt tại thành phố cảng Hải Phòng. Tài xế đưa tôi qua một con đường nhỏ đến đảo Cát Hải, nơi có nhà máy của thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, VinFast.
Đó là một dự án trị giá 3,5 tỷ đô USD của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, được điều hành bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhà máy đã được xây dựng trong khoảng 21 tháng - một công cuộc thần tốc đến nỗi, khi tôi mở Google Maps để kiểm tra vị trí của chúng tôi, ứng dụng định vị rằng tôi đang đứng giữa biển.
Tại Việt Nam, Vingroup ngày càng giống với hình mẫu của một chaebol Hàn Quốc, một tập đoàn công nghiệp, như Huyndai hay Samsung, không chỉ thống lĩnh thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Tập đoàn Vingroup, khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh mì gói ở Ukraine đã lần lượt thành công trong lĩnh vực bất động sản, khu nghỉ dưỡng rồi mở rộng sang các siêu thị, trường học, y tế và gần đây là điện thoại thông minh và xe hơi.
Vingroup cũng đã xây dựng một khách sạn năm sao và tòa nhà Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Đông Dương ở thời điểm hiện tại - một vị trí đắc địa để ngắm nhìn toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi F1 tổ chức cuộc đua đầu tiên tại Hà Nội vào năm tới, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền. Hôm nay, người Việt có thể sống ở Vinhomes, gửi con cái họ đến Vinschool (và, từ năm 2020 sẽ có VinUni), đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở Vinpearl và sạc xe tay ga điện VinFast của họ tại VinMart. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch của Vingroup cho biết công ty sẽ là một nhà cung cấp hầu như đầy đủ hàng hóa và dịch vụ từ cơ bản đến trọng điểm cho một quốc gia đang tăng trưởng mạnh mẽ.
"Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Thủy nói với Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast.
Sự phát triển của Vingroup đã phản ánh rằng Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Nhà sáng lập Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đồng thời cũng là người giàu nhất trong số năm tỷ phú của Việt Nam, theo tạp chí Forbes.
Theo nhóm nghiên cứu thị trường Nielsen, tiền lương trung bình của người Việt tăng 17% và thu nhập khả dụng cá nhân tăng 29% trong giai đoạn 2014-2018. Tiền lương sẽ tăng thêm 30% và thu nhập sẽ còn tăng thêm 26% vào năm 2022. Nielsen lưu ý, tầng lớp giàu có ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng, số lượng triệu phú ở Việt Nam sẽ tăng 170% lên 38.600 vào năm 2025.
Không khó để thấy rằng nhiều người đang dành tình cảm cho Vingroup. Tập đoàn đã thành công trong việc tuyển dụng cả nhân lực Việt Nam, cả chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm về làm việc cho mình, bao gồm Jim DeLuca, cựu thành viên của General Motors, hiện đang là CEO của VinFast.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng công ty có thể sẽ gặp rủi ro khi đầu tư vào một ngành cạnh tranh như sản xuất ô tô.
Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết, nghiên cứu các ứng dụng dữ liệu lớn sẽ cho phép Vingroup cung cấp nhiều dịch vụ hơn khi hoạt động của họ mở rộng sang điện thoại và TV thông minh, nhà ở và ô tô. Ví dụ, các cửa hàng VinMart có thể sử dụng công nghệ để thu thập thông tin thời gian khách hàng ở lại trong một khu vực nhất định của cửa hàng, từ đó hiểu được nhu cầu mua sắm của họ.
Trung tâm AI cũng đang tiến hành nghiên cứu nhằm giúp đỡ cộng đồng khoa học nói chung, bao gồm cả kế hoạch xây dựng bản đồ bộ gen người Việt Nam. Thông qua một chương trình có lợi cho sự phát triển của đất nước, với khu vực công nghệ cao mới thành lập, Vingroup đang hỗ trợ học bổng cho sinh viên tài năng mà không đòi hỏi họ sau này phải làm việc cho tập đoàn. "Chúng tôi tin rằng lực lượng lao động phát triển cũng sẽ có lợi cho bản thân chúng tôi" - ông Văn cho biết.