Sáng nay 7.1, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự Lễ bàn giao kết thúc dự án Bảo tồn và phục hồi Cổng, Bình phong và Non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên (Đại Nội Huế). Tham dự buổi lễ còn có ông Christian Berger- Đại sứ đặc mệnh toàn quyến CHLB Đức tại Việt Nam.
Dự án được thực hiện từ cuối tháng 9.2017, với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đến từ Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa phi lợi nhuận Fulda, CHLB Đức (GEKE) và nguồn tài trợ về kinh phí của Bộ Ngoại giao Đức. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 4,3 tỉ đồng, trong đó phía Đức tài trợ hơn 3,4 tỉ đồng.
Sau hơn một năm triển khai, dự án đã hoàn thành việc phục hồi, tôn tạo hệ thống Cổng, Bình phong và Non bộ tại di tích Điện Phụng Tiên đảm bảo tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn. Việc trùng tu công trình di tích này đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí của UNESCO cũng như Bộ VHTTDL.
Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Điện Phụng Tiên là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày. Điện gồm có 5 công trình chính là chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào Điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ… Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Năm 1947, công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ-bể cạn, 5 năm cổng nhỏ phía Bắc và bình phong phía sau của Điện Phụng Tiên nhưng trong tình trạng hư hại nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Tổn thất lớn này đã làm giảm đáng kể giá trị nghệ thuật của toàn bộ công trình và sự hoang phế qua nhiều năm đã đe dọa các cấu trúc còn lại của điện. Vì vậy, các phương pháp phục hồi là hết sức cần thiết để bảo tồn những vết tích còn lại của công trình cũng như phục hồi các giá trị vật thể và phi vật thể của công trình.
Ngoài việc bảo tồn công trình di tích, dự án còn đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 7 học viên là những thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ nề ngõa truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế. Trong vòng 2 tháng tới, những học viên này sẽ được thực hành công tác trùng tu, bảo tồn trên chính một công trình bình phong khác tại di tích Điện Phụng Tiên dưới sự hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia GEKE.
Ông Christian Berger- Đại sứ đặc mệnh toàn quyến CHLB Đức tại Việt Nam cho biết: Công trình này đã bị tác động và mang nhiều “vết thương” bởi chiến tranh và điều kiện tự nhiên. Các chuyên gia đã khắc phục “vết thương” trên công trình này rất chi tiết và thận trọng theo tiêu chuẩn của UNESCO. Nhìn những “vết sẹo” này, càng nhắc nhở chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn di sản.
Đại sứ CHLB Đức cho biết ông rất quan tâm và luôn theo dõi quá trình thực hiện dự án này. Cả hai nội dung của dự án đã được thực hiện rất thành công. Những chi tiết về các bức tranh 3 chiều trên bình phong rất ấn tượng, chứng tỏ nền nghệ thuật của Việt Nam từ xa xưa đã đạt trình độ cao.
“Hôm nay, sự có mặt của tôi và Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thể hiện mối quan hệ tốt đẹp của hai đất nước. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bộ VHTTDL là đối tác tuyệt với của Đức trong công tác bảo tồn di sản. Chính vì thế, tôi đã kiến nghị lên Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục hợp tác, hỗ trợ bảo tồn và trùng tu di tích tại Huế trong thời gian tới”- Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã bày tỏ cảm ơn đến Ngài Đại sứ, Bộ Ngoại giao CHLB Đức và nhóm chuyên gia đã hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí cho việc trùng tru, bảo tồn di sản Huế trong những năm vừa qua, đồng thời mong muốn trong thời gian đến sẽ tiếp tục có các dự án hợp tác của Đức về bảo tồn di sản tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Bộ trưởng đánh giá cao chuyên môn của các chuyên gia GEKE trong thực hiện bảo tồn các công trình di tích tại Huế, trong đó có dự án phục hồi nội thất và tranh tường cổ ở di tích Cung An Định nhiều năm trước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, rất cảm kích khi thấy dự án và các chuyên gia của Đức đã tổ chức đào tạo chuyên sâu cho những học viên của Việt Nam. Điều này sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản về lâu dài tại khu di sản Huế và các vùng lân cận.
Trong khuôn khổ của buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Đại sứ Christian Berger cùng đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chuyên môn đã tham quan và khảo sát khuôn viên di tích Điện Phụng Tiên của Đại Nội Huế.
Một số hình ảnh PV Báo Văn Hóa ghi lại tại di tích Điện Phụng Tiên trong sáng 7.1:
Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ông Christian Berger phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Đại sứ Christian Berger cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án bảo tồn tại Điện Phụng Tiên
Bộ trưởng và Đại sứ Christian Berger cùng trao chứng nhận và tặng hoa cho các học viên được đào tạo của dự án
Bộ trưởng và các đại biểu tham quan công trình Bình phong vừa được trùng tu tại Điện Phụng Tiên
Hệ thống Bình phong, Non bộ tại di tích Điện Phụng Tiên sau khi được trùng tu
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi và bày tỏ cảm ơn đến Đại sứ Christian Berger, Bộ Ngoại giao Đức và nhóm chuyên gia GEKE