Đồ uống có cồn là sản phẩm không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, tiệc, hội, cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một nét xấu trong một bộ phận người Việt, tạo nên những ảnh hưởng, dư luận tiêu cực đối với sản phẩm này.
Vì vậy “Xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh” là chủ đề hội thảo do Viện Văn hóa Kinh doanh và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam tổ chức ngày 29.12 tại Hà Nội, nhằm tìm ra gốc rễ vấn đề nhức nhối do lạm dụng đồ uống có cồn, hay “hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi sử dụng đồ uống có cồn”; từ đó góp phần giáo dục, truyền thông về uống có trách nhiệm và đưa ra những giải pháp, công cụ thực thi văn hóa uống lành mạnh, văn minh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, văn hoá uống rượu, bia ở nước ta có từ lâu đời, hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” đã đi vào các tác phẩm văn chương, âm nhạc. Do vậy, không thể nhìn rượu, bia như thức uống thông thường mà cần hiểu nó chứa đựng trong đó là bề dày văn hóa, lễ nghĩa trong cuộc sống và giao tiếp. “Ngày xưa các cụ đã rất tinh tế và có định lượng đúng đắn về từng thành phần trong sử dụng rượu như tiên tửu, Phật tửu. Uống rượu vào mà lời ra nói năng văng mạng, ăn uống thô lỗ, chửi bới, gây gổ đánh nhau thậm chí giết người gọi là Tục tiểu, Cuồng cửu. Lợi dụng chén rượu để khích bác mà khác nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là ti tửu, hay cẩu tửu. Các cụ phân ra các loại rượu uống rượu như vậy bởi mỗi con người có tính cách, tâm trạng, thể trạng khác nhau; có người uống một ly đã say, thậm chí ngửi rượu đã say rồi, có người uống vài ba chén chưa say”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, bản thân mỗi người phải tự biết khả năng của mình làm chủ được hành vi uống với ai, uống bao nhiêu, uống vào thời gian nào. Mỗi người hãy tự ý thức rằng, đã uống rượu, bia thì không lái xe và không nên uống quá đà, không nên uống vào buổi trưa. Việc ép nhau uống rượu uống thêm là không phù hợp với xã hội hiện đại, nếu có người ép uống thì có thể từ chối khéo, lúc đó người mời có thể không hài lòng nhưng sau đó nghĩ lại thấy họ đúng, tự cảm thấy hành vi ép rượu của mình là sai.
Toàn cảnh hội thảo
“Để uống có văn hóa đảm bảo an toàn giao thông thì ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, còn phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát”, ông Dương Trung Quốc nói.
Tại hội thảo, các đại biểu thừa nhận, rượu bia là một nét văn hóa nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa. Đồng thời, các đại cũng đặt ra những thách thức từ văn hoá uống, làm thế nào xây dựng văn hoá uống rượu, bia lành mạnh, văn minh từ góc độ người sử dụng; truyền thông nâng cao nhận thức và xây dựng phong trào vận động văn hóa uống; xây dựng thói quen sử dụng rượu bia lành mạnh...
Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến gần, ý kiến đóng của các đại biểu, chuyên gia đã truyền tải thông điệp, nhắc nhở cộng đồng để nâng cao nhận thức đối với đồ uống có cồn, và xây dựng văn hoá uống lành mạnh, mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội