Cứ ngỡ việc bán hàng online chỉ dành cho những người trẻ tuổi, năng động, thế nhưng, ông Ngô Văn Mười ở Chợ Lách (Bến Tre), dù đã ở tuổi lục tuần vẫn ngày ngày dùng smart phone đăng thông tin trên Facebook, Zalo, quảng bá về sản phẩm “cây giống Cái Mơn” của địa phương mình.
Khởi nghiệp
Việc sắp xếp lịch hẹn với lão nông Ngô Văn Mười, chủ của 4 cơ sở sản xuất cây giống (vườn ươm) ở “thủ phủ cây giống Cái Mơn” không dễ dàng. Ông hẹn gặp chúng tôi trên hành trình từ Bến Tre đi gặp khách hàng là một chủ vườn cây ăn trái có quy mô lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày cuối tuần.
Lão nông Ngô Văn Mười, chủ của 4 cơ sở sản xuất cây giống (vườn ươm) ở “thủ phủ cây giống Cái Mơn". |
Ở cái tuổi lục tuần, ông Mười vẫn tự mình lái chiếc Toyota Vios rong ruổi khắp các nẻo đường. Ông hồ hởi cho biết, từ sau khi sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận địa danh Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước vào năm 2015, không chỉ gia đình ông, mà rất nhiều vườn ươm khác của địa phương bận rộn với việc trồng và kinh doanh cây giống. Làm ăn phát đạt, đời sống của nhiều người nông dân vùng miệt vườn Bến Tre được nâng lên, năm ngoái ông đã tậu được chiếc ô tô này.
Với giọng nói chân chất, mộc mạc đặc trưng của người miền Tây, ông kể, huyện Chợ Lách nằm giữa sông Hàm Luông ở phía Bắc và sông Cổ Chiên ở phía Nam, được ông trời ban cho đặc ân là cái nôi trồng các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, mít… với chất lượng cao nhất. Vùng đất này được xem như bản đồ trái cây thu nhỏ của các nước Đông Nam Á, khi có đến 54 loại cây trái. Theo đó, nghề làm cây giống cũng gắn bó với nơi đây không biết từ khi nào.
“Có người nói, nghề làm cây giống ở Cái Mơn là do các linh mục người Pháp mang đến, có người lại bảo do cụ Trương Vĩnh Ký đem từ Malaysia về. Chỉ biết khi tôi sinh ra đã có nghề này rồi”, ông Mười nói về lai lịch làng nghề của mình.
Tuy vậy, việc làm cây giống của người làng cũng như gia đình ông Ngô Văn Mười còn manh mún, quy mô nhỏ do lo ngại về vấn đề đầu ra. Hai mươi năm trước, ông Mười quyết định dành 1 ha đất để khởi nghiệp làm cây giống theo hướng sản xuất hàng hóa. Khi bắt tay vào làm mới thấy không đơn giản. Cái khó đầu tiên là phải cải tạo đất. Đất để làm cây giống phải là đất thịt, không pha lẫn cát, sỏi. Đất phải làm cho tơi xốp, nước tưới thì hoàn toàn phải là nước ngọt.
Tiếp đó, phải có cây đầu dòng có chất lượng tốt thì cây giống mới đạt yêu cầu. Rồi đầu tư cho máy làm đất, hệ thống tưới nước tự động. Nhưng thế chưa đủ, bởi thành bại của nghề này là ở kỹ thuật. Trước đây, chỉ là mày mò, rút kinh nghiệm thực tế từ những kỹ thuật thô sơ như ghép cây, ghép bo da, chiết cành. Sau này, nhờ những khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mà có thêm các kỹ thuật như ghép xương, ghép mắt, ghép đọt, ghép cành... rút ngắn thời gian cây cho trái, đồng thời lưu giữ được những tính năng tốt của gốc ghép lẫn bo ghép.
Ông Mười tâm sự, nghề làm cây giống cực lắm, không như mọi người nghĩ. Đơn cử, cây quýt, vài năm trước làm lô nào thắng lô đó. Năm vừa rồi, tự nhiên nhu cầu thị trường xuống thấp, quýt giống tồn cả đống trong các vườn, giá giảm kịch sàn, mà thương lái họ chê không mua vì không có đầu ra. Vậy mà vẫn phải ngày ngày chăm sóc tưới nước, bón phân, trông ngóng bán từng cây một.
Doanh nhân Ngô Văn Mười |
“Làm nghề cây này cũng như nghề chăn nuôi, ngày lễ, ngày tết ai nghỉ thì nghỉ, chứ mình vẫn phải kéo ống tưới cây không được bỏ ngày nào”, ông Mười nói.
Khó trăm bề, nhưng với quyết tâm và sự kiên trì, cùng việc liên tục cập nhật kỹ thuật trong sản xuất, nên từ một cơ sở cây giống ban đầu, đến nay, ông Mười đã sở hữu 4 cơ sở với tổng diện tích khoảng 3 ha, xuất bán trung bình hàng tháng hơn 100.000 cây giống các loại, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Cú hích” từ bán hàng qua Facebook, Zalo
Thực tế, việc làm ra cây giống có chất lượng tốt, dù ở ngay thủ phủ “cây giống Cái Mơn” cũng chỉ quyết định phân nửa của sự thành công. Bởi có tiêu thụ được hay không mới là quan trọng.
“Cú hích” mang lại sự thành công hôm nay của ông Mười bắt đầu từ việc bán cây giống online. Số là, cách đây khoảng 2 năm, ông được con tặng chiếc iPhone, ông mày mò dùng Facebook, Zalo, vào đọc báo mạng... Từ đó, ông nghĩ đến việc đem cây giống bán trên mạng.
Lúc đầu, tuy chưa thật tin vào khả năng bán được cây trên mạng, nhưng ông vẫn tạo một trang Facebook dành riêng để bán cây giống, rồi chụp cây trong vườn nhà mình đăng lên. Ông tham khảo các mẫu quảng cáo bán hàng online của những người khác để viết nội dung của mình cho hấp dẫn, thu hút người đọc.
Thời gian đầu không thấy có ai liên hệ, nhưng sau đó, do ông chịu khó đưa các thông tin nên càng ngày Google càng đưa lên vị trí tốt hơn trên các kết quả tìm kiếm liên quan đến cây giống, bắt đầu lác đác có khách gọi hay gửi tin đến qua trang Facebook, rồi số lượng khách nhiều dần, ông nhắn tin, nghe điện thoại trả lời khách hàng suốt ngày. Không chỉ cây trong vườn nhà bán hết sạch, các vườn cây giống tại địa phương cũng được ông kết nối với khách hàng là các vựa cây giống, nhà vườn... khắp cả nước.
Khách hàng mua cây giống phần nhiều ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang. Gần đây, một lượng lớn cây giống đổ về miền Đông như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đã có nhiều chuyến hàng đưa cây giống của ông ra phía Bắc. Ông Mười cho biết, trung bình mỗi tháng có một chuyến hàng đưa cây giống ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Facebook, Zalo còn giúp ông chia sẻ thông tin, tư vấn thêm cho khách hàng những vấn đề liên quan.
Ông hào hứng kể thêm về những chuyến đi thú vị như gần đây nhất ông vừa trở về từ Quảng Bình sau khi hoàn thành hợp đồng trồng cây ăn trái và cây công trình ở con đường dẫn vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay một công ty làm nông nghiệp sạch với trình độ tự động hoá cao tại Vũng Tàu cũng tìm mua cây giống của ông. Việc được đặt chân đến mọi miền Tổ quốc, hỗ trợ khách hàng phát triển nghề vườn mang lại niềm vui lớn cho ông.
Trăn trở đưa cây giống ra thị trường quốc tế
Trong câu chuyện cởi mở, ông Mười ngâm nga mấy câu ca dao: “Bến Tre nước ngọt lắm dừa/ Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm/ Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn/ Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày…”.
Với gia đình ông, trái ngọt của nghề làm cây giống đã được hưởng. Nhưng trên cương vị Chủ tịch Hội nông dân huyện Chợ Lách, ông vẫn còn nhiều tâm tư để phát triển nghề cây giống của địa phương, trong đó có việc xuất khẩu cây giống ra thị trường nước ngoài.
Đã có một doanh nghiệp của Trung Quốc đề xuất đặt hàng cây giống xuất khẩu với số lượng lớn trong thời gian tới, nhưng ông Mười đang cân nhắc. Lý do là bởi họ yêu cầu mình phải đưa hàng lên biên giới, kiểm định chất lượng xong thì mới thanh toán. Ông Mười muốn đối tác đến kiểm định tận vườn, đảm bảo chất lượng thì mua, bởi nếu không làm như vậy, thì dù có thể xuất khẩu được lượng lớn, nhưng dễ bị thương lái ép giá.
Hiện ông Ngô Văn Mười đang nghiên cứu để ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây giống, kế hoạch là sẽ áp dụng trong năm nay để tăng khả năng quản lý truy xuất, tăng uy tín và chất lượng thương hiệu cây giống, từ khâu trồng cây cho đến khâu bán thành phẩm ra thị trường, thậm chí là kết nối với hệ thống dữ liệu sản phẩm trái cây khi cây cho trái, thành một chu trình truy xuất nguồn gốc mang tính liền mạch thông tin.
Cũng theo ông Mười, vào trung tuần tháng 4/2018, lãnh đạo huyện Chợ Lách sẽ xem xét, cho ý kiến về Đề án Nông dân làm du lịch. Theo đó, sẽ có các hộ dân của 6 xã (toàn huyện Chợ Lách có 11 xã, thị trấn) tham gia hoạt động du lịch, khép kín từ các tuyến điểm đón khách, nghỉ ngơi, đi thăm vườn trái cây, vườn ươm, tham gia các sinh hoạt văn hóa truyền thống, thăm các di tích lịch sử… “Hiện nay, Đề án đã chọn được một số vườn đẹp, có diện tích khoảng 1 ha/vườn, đi lại thuận tiện, kinh phí đầu tư của các cơ sở này do người dân lo”, ông Ngô Văn Mười cho biết.