UBND TP. Hà Nội vừa có công văn yêu cầu xử lý, khắc phục các vi phạm về quy hoạch kiến trúc, trật tự xây dựng và sử dụng đất sau thanh tra các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP.
Theo đó, để xử lý triệt để các vi phạm đối với các chủ đầu tư của 42 dự án, nhằm tăng cường công tác quản lý về đất đai, quy hoạch kiến trúc trật tự xây dựng, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch kiến trúc trật tự xây dựng của các cấp, các ngành. UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận: Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Đống Đa thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ảnh minh họa.
Đồng thời chỉ đạo các lực lượng của quận, Đội Thanh tra xây dựng trên địa bàn, UBND phường sở tại và các đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc việc chấp hành khắc phục vi phạm của chủ đầu tư theo quy định. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, phải hoàn thiện hồ sơ, xử lý dứt điểm phần công trình vi phạm theo quy định. Chịu trách nhiệm trước UBND TP về những tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc phát sinh các trường hợp vi phạm đất đai, quy hoạch kiến trúc, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Cục thuế Hà Nội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình UBND TP quyết định điều chỉnh quyết định giao đất và xác định bổ sung nghĩa vụ tài chính do thay đổi mật độ, hệ số sử dụng đất đối với phần diện tích sai phạm; Đối với phần diện tích vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình thụ lý, thẩm định hồ sơ xem xét cấp giấy chứng nhận phải có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, hướng dẫn xử lý về quy hoạch kiến trúc, đề xuất phương án xử lý trình UBND TP xem xét, chỉ đạo đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành; Đối với các dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ làm gia tăng dân số cơ học. Yêu cầu phải đánh giá lại khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm cơ sở để Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở xử lý theo quy định.
Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Sở hoàn thiện hồ sơ, ban hành quyết định khắc phục hậu quả xử lý. Sau khi chủ đầu tư chấp hành quyết định xử lý của cơ quan chức năng (hoàn thành nghĩa vụ tài chính) liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận theo quy định.Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực Phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục thẩm định, thẩm duyệt bổ sung về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình có thay đổi, điều chỉnh không phù hợp với thiết kế được duyệt.
Riêng đối với 9 dự án có vi phạm phức tạp giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội, UBND các quận và các chủ đầu tư dự án vi phạm để làm rõ nhũng nội dung, biện pháp cần xử lý; thống nhất, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả cấp Giấy chứng nhận của 9 dự án có vi phạm nêu trên, trong đó nêu rõ: Tổng số căn hộ theo thiết kế được duyệt; kết quả đã cấp giấy chúng nhận; chưa cấp; UBND cấp quận cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp; đồng thời cung cấp các hồ sơ pháp lý; hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gửi Sở Xây dựng làm cơ sở đánh giá, để xuất biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm của từng dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với tinh hình thực tế quản lý, sử dụng của các chủ đầu tư.
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện; báo cáo UBND TP kết quả trong tháng 10/2017; đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.