Đó là quan điểm của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại Tọa đàm Mùa Xuân 2018 vừa diễn ra. Theo ông Nghĩa, TP. Đà Nẵng cần xây dựng lại Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, định vị Đà Nẵng trong bối cảnh mới, lựa chọn mô hình phát triển của Thành phố trong tương lai.
Theo đó, về môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2018, Đà Nẵng sẽ thực hiện giảm mạnh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Chủ trương của lãnh đạo Thành phố là cái gì lợi cho doanh nghiệp thì dù nhỏ cũng làm, cái gì gây khó khăn cho doanh nghiệp thì dù lớn mấy cũng phải tìm cách tháo gỡ. Thành phố cam kết hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, ưu tiên xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Những công trình hiện đại đã góp phần thay đổi diện mạo Đà Nẵng. Trong ảnh: Công trình cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Hải Sơn |
Các quận, huyện, sở, ngành phải phối hợp nhịp nhàng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phải luôn đặt người dân, doanh nghiệp là đối tượng trung tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách thuận lợi.
Nói rõ hơn về các biện pháp cụ thể, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng lựa chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, điều đó đã thể hiện quyết tâm của Thành phố là chủ động nắm bắt cơ hội sau sự kiện APEC 2017 để làm bàn đạp chuyển thành động lực phát triển. Sự kiện tổ chức thành công APEC 2017 đã mang lại niềm tin, niềm hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo ra cơ hội rất lớn cho thúc đẩy kinh tế.
Thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đẩy nhanh Đề án về cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung, Đề án thành lập và bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020, trình Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù để hỗ trợ Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu công nghệ cao.
Người đứng đầu chính quyền TP. Đà Nẵng cũng nhìn nhận, nền kinh tế Thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có và Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo đó, Thành phố sẽ rà soát, quy hoạch, xác định rõ mô hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050; định vị rõ lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ mới của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại nguồn lực hiện có của Thành phố và đánh giá việc kêu gọi đầu tư còn dàn trải ở tất cả các nhóm ngành công nghệ cao. Thời gian tới, Thành phố sẽ mời chuyên gia cùng với các ngành chức năng của Thành phố rà soát định hướng phát triển, làm tiền đề để kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự tăng tốc phát triển của Thành phố, đặc biệt là cơ chế, mô hình phát triển đặc thù như Khu kinh tế biển, Chính quyền Cảng”, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Lãnh đạo Thành phố cũng hứa sẽ sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, hiến kế của các doanh nhân, doanh nghiệp, chú trọng giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm phát triển Thành phố trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), quan tâm làm tốt công tác cán bộ, tìm kiếm, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, có thái độ tích cực, kiến tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Quan điểm của lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhiều góp ý đã được gửi tới nhằm giúp Đà Nẵng đạt được mục tiêu đề ra.
Ý kiến nhà đầu tư
Đà Nẵng nên có ưu đãi riêng để mời các tập đoàn lớn.
Ông Young Kee Moon, nhà đầu tư Hàn Quốc
Đà Nẵng có cảng biển giống TP. Busan, lại vừa giống Seoul của Hàn Quốc. Thủ đô Seoul có khu Seoul Island, giống như bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng. Tại đây, Hàn Quốc quy hoạch và xây dựng thành trung tâm tài chính. Đà Nẵng cũng nên mời gọi các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư đến đây để hình thành nên một trung tâm tài chính của khu vực.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng nên có chính sách ưu đãi riêng để chào mời các tập đoàn lớn đến đầu tư. Khi các tập đoàn lớn đến đầu tư, họ sẽ kéo theo nhiều giá trị khác, giúp các nhà cung cấp địa phương phát triển theo.
Xây dựng chính sách đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Takizawa Satoru Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng
Nguồn nhân lực của Đà Nẵng hiện nay có ưu điểm là đức tính cần cù, ham học hỏi… Tuy nhiên, các ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố có tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh, dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng vọt. Do đó, Thành phố cần xây dựng chính sách bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, cũng như tích cực cải thiện môi trường sống của công nhân, xây dựng các cơ sở giáo dục - đào tạo, hỗ trợ những kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng sống cho công nhân.
Tiếp tục cải cách trong khâu thủ tục hành chính, giấy tờ.
Ông Trương Sỹ Bình, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Phúc Hoàng Ngọc
Nhà đầu tư mong muốn, trước hết là cơ chế phải hết sức mở cửa, thủ tục giấy tờ nhanh chóng, quy trình xử lý thống nhất. Đây là điểm mấu chốt nhất mà nhà đầu tư quan tâm khi đến đầu tư tại một tỉnh, thành phố nào đó.
TP. Đà Nẵng mặc dù cũng có những nỗ lực lớn trong việc này, tuy nhiên nếu ở thang điểm 5 sao thì Đà Nẵng mới chỉ ở mức 4 sao, bởi thế cần phải nỗ lực hơn nữa. Cơ hội đầu tư chỉ đến một lần, do đó, Thành phố cần phải nhanh chóng trong khâu thủ tục giấy tờ cho nhà đầu tư.
Nhất quán trong việc triển khai cam kết hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sungroup
Chính quyền TP. Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện quy hoạch có tầm nhìn dài hạn với sự tư vấn của các chuyên gia quy hoạch thế giới. Bên cạnh những dự án quy hoạch trong tương lai, có những dự án cần thiết phải thực hiện ngay, TP. Đà Nẵng nên có chính sách kêu gọi doanh nghiệp tham gia theo hình thức PPP và BOT.
Có chính sách nhất quán trong việc triển khai cam kết hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào Thành phố, hạn chế thay đổi chính sách để tăng niềm tin, giảm rủi ro của doanh nghiệp. Xúc tiến mở đường bay mới...
Cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế.
Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Kinderworld
Đà Nẵng cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận. Giáo dục phải là cái gốc cho sự phát triển của thành phố. Phải tập trung đào tạo để Đà Nẵng có nguồn nhân lực cao cấp, có thể nhận mức lương vài ngàn USD.
Có một thực tế là, hàng năm có hàng ngàn thanh niên Việt Nam ra nước ngoài du học với khoản chi phí rất lớn, vậy tại sao Đà Nẵng không xây dựng các trường học đáp ứng được nhu cầu và khai thác được nguồn lợi này.
Đà Nẵng vẫn là mảnh đất lành của nhà đầu tư.
Ông Đặng Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư địa ốc Hùng Vương
Trong định hướng phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành đô thị động lực cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thông qua việc tập trung điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng, tập trung phát triển ngành dịch vụ và đẩy mạnh mũi nhọn du lịch…
Với những lợi thế có sẵn, cùng với chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi, trong năm 2018 này và những năm tiếp theo, Đà Nẵng chắc chắn vẫn sẽ là mảnh đất lành dành cho các nhà đầu tư.
Hạn chế dự án gây tác động xấu tới môi trường sống.
Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng
Đà Nẵng cần hạn chế những dự án, công trình có tác động gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển. Tất cả các dự án du lịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của Thành phố về bảo vệ môi trường.
Đi kèm đó, Đà Nẵng nên tập trung phát triển các dịch vụ về giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng được nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi họ kết hợp giữa du lịch với nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh.
Đảm bảo quỹ đất sẵn có dành cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc First Real
Hạ tầng là điểm nổi bật của Đà Nẵng. Thành phố có cảng biển, có sân bay quốc tế, có đường sắt, đường bộ đi qua rất thuận lợi cho việc kết nối thương mại, dịch vụ, phát triển logistics. Môi trường sống của Đà Nẵng rất tốt, nhiều nhà đầu tư khi đến Đà Nẵng đều muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này.
Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất Đà Nẵng không còn nhiều, Thành phố cần đánh giá lại và sử dụng hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt là phải đảm bảo quỹ đất sẵn có dành cho các nhà đầu tư, các danh nghiệp khi họ đến với Đà Nẵng.
Tạo điều kiện cho phân khúc bất động sản cao cấp.
Ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ariyana
Nhìn chung, quy hoạch Đà Nẵng có sự rõ ràng, bài bản với tầm nhìn xa trông rộng. Đồng thời, hệ thống hạ tầng của Đà Nẵng cũng tương đối đồng bộ và hoàn thiện, từ đường sông, đường biển, cảng biển, sân bay.
Đà Nẵng nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phân khúc bất động sản cao cấp - phân khúc tạo ra sản phẩm phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực du lịch như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng được phát triển. Điều này sẽ góp phần nâng tầm cho du lịch Thành phố trong tương lai.