Đó là cách ví von của Chủ tịch Hòa Phát khi nói về Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Sau khi hoàn thành siêu dự án này, Hòa Phát sẽ có tầm vóc mới, diện mạo mới và doanh thu sẽ tăng gấp đôi.
Sáng 22/3, Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2018. Tại đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long, người vừa được Forbes vinh danh là tỷ phú đô la, đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về trọng tâm của năm 2018, đó là Khu liên hợp gang thép Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi.
Theo tỷ phú Long, nhiệm vụ quan trọng nhất với Hòa Phát năm nay và các năm sau là phải tập trung toàn bộ sức lực để hoàn thành khu liên hợp Dung Quất. Đây là dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD và Hòa Phát có rất nhiều việc phải làm với dự án này, thậm chí công việc còn vô cùng phức tạp.
"Ngồi họp ở đây nhưng thỉnh thoảng đầu tôi vẫn nghĩ về Dung Quất", tỷ phú Long nói. Dự án này không chỉ đơn giản là làm nhà máy sản xuất thép, mà ông Trần Đình Long và các cộng sự còn phải tìm hiểu để làm về cảng biển, giao thông trong dự án. Thậm chí, bên trong khu liên hợp còn có cả một công ty về đường sắt, có nhà máy điện, nhà máy nước và Hòa Phát phải tìm cách vận chuyển nước từ cách hàng chục cây số về tới khu liên hợp. "30 năm kinh nghiệm trên thương trường, nhưng khu liên hợp Dung Quất có những công việc mà chúng tôi chưa từng phải làm bao giờ", ông Long thẳng thắn chia sẻ.
Tuy nhiên, một khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát. "Nói đơn giản, doanh thu Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi và lợi nhuận cũng sẽ tăng tương ứng, Hòa Phát từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4" tỷ phú Trần Đình Long ví von.
Ngay tháng 7/2018 tới đây, Hòa Phát sẽ hoàn thành hạng mục đầu tiên và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thép công suất 600.000 tấn. Hiện nay, thép Hòa Phát chủ yếu tiêu thụ tại miền Bắc, tỷ lệ khoảng 65%. Sau khi nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ tấn công mạnh vào thị trường miền Trung và miền Nam, nhờ lợi thế về vị trí địa lý.
Bên cạnh đó, một lợi thế quan trọng của khu liên hợp Dung Quất là nằm sát biển nên giúp Hòa Phát giảm đáng kể chi phí mua quặng sắt. Trước đây, riêng tiền vận chuyển 1 tấn quặng sắt từ Hà Giang hay Lào Cai về đến nhà máy của Hòa Phát mất trung bình 25 USD. Trong khi đó, chi phí vận chuyển 1 tấn quặng từ Brazil đi nửa vòng trái đất sang Trung Quốc chỉ hết 7-8 USD. Với tình trạng nguồn quặng sắt trong nước khan hiếm, Hòa Phát sẽ tiết kiệm được chi phí khi mua nguyên liệu từ các nước trên thế giới.
Đến năm 2020, khi hoàn thành khu liên hợp gang thép, sản lượng Hòa Phát sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn, đứng nhất nhì khu vực Đông Nam Á và đứng trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ, thành công lớn nhất của dự án Dung Quất là tạo được sự tin tưởng hoàn toàn từ phía lãnh đạo và người dân tỉnh Quảng Ngãi. Thậm chí, tình trạng hiện nay là các Sở, Ban, Ngành của Quảng Ngãi đang phải chạy theo Hòa Phát vì khối lượng công việc quá lớn và họ chưa bao giờ phải giải quyết khối lượng công việc lớn đến vậy.