Sáng nay 2.2 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Trước đó, trong các ngày 30, 31.1 và 1.2, đoàn kiểm tra lễ hội do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) thành lập đã tới các điểm nóng như Đền Sóc (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), lễ hội Đúc Bụt (Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Làm việc tại UBND xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc về giải pháp cho lễ hội Đúc Bụt
Dẫn đầu các đoàn kiểm tra, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương khẳng định: Các lễ hội điểm nóng năm nay phải cam kết khắc phục tiêu cực.
Cam kết giảm nhiệt
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, kiểm tra tại các “điểm nóng” nhằm thể hiện quan điểm của Bộ VHTTDL, yêu cầu các địa phương, BTC các lễ hội phải cam kết giải pháp triệt để cho những nổi cộm, phản cảm đã diễn ra ở từng lễ hội.
Tại Đền Sóc (Hà Nội), giải pháp cơ bản được thống nhất, cũng là điểm mới ở mùa lễ hội 2018 là không tán lộc tập trung nhằm tránh hiện tượng chen lấn, xô đẩy để tranh cướp lộc, tạo nên những hình ảnh phản cảm không đáng có tại một lễ hội truyền thống.
Tại Đền Bà Chúa Kho, BQL di tích cam kết giải pháp khắc phục những nổi cộm như khấn thuê, lễ mướn, chèo kéo, đốt nhiều vàng mã. “Vừa đẩy mạnh tuyên truyền, BQL đền vừa giám sát chặt chẽ để không xảy ra các hiện tượng khấn thuê, lễ mướn, chèo kéo du khách đi lễ.
Tại Khu di tích Tây Yên Tử, năm 2018 là năm đầu tiên tổ chức lễ hội với hoạt động chính là rước tượng từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Hạ, cùng với đó là lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 chùa Hạ. Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương lưu ý công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu tiên cần được địa phương lên kế hoạch chu đáo, có phương án để kịp thời ứng phó khi đông người dân và du khách cùng đổ về lễ hội, đặc biệt là các phương án đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh môi trường…
“Năm nay lần đầu tiên Cục Văn hóa cơ sở kiểm tra công tác chuẩn bị đối với hai lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu và Đúc Bụt ở Tam Dương. Đây cũng là những lễ hội cần chấn chỉnh công tác chuẩn bị và tổ chức nhằm giải quyết những bất cập nảy sinh, điển hình như lễ hội Đúc Bụt năm ngoái đã khiến dư luận bức xúc trước những hình ảnh phản cảm từ nghi thức cướp chiếu. Năm nay, BTC lễ hội sẽ phải có giải pháp khắc phục hiện tượng này”, vẫn bà Ninh Thị Thu Hương .
Cũng trong mùa lễ hội năm nay còn có nhiều điểm lễ hội, di tích khác tại các tỉnh, thành đã và sẽ tiếp tục được thanh, kiểm tra với tinh thần Bộ đồng hành cùng địa phương tìm giải pháp giảm nhiệt cho từng điểm nóng, điển hình như hội Lim (Bắc Ninh), chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)…
Đoàn công tác kiểm tra sân bãi nơi diễn ra lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Bộ sẽ giám sát chặt chẽ
Trao đổi với chính quyền địa phương, BTC lễ hội Đúc Bụt Đền thờ Đức Bà làng Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, dù là lễ hội truyền thống, mang bản sắc văn hóa của địa phương nhưng những hình ảnh phản cảm khi quá đông người dự lễ hội cùng lao vào tranh cướp chiếu để cầu có con trai đã làm giảm đi những ý nghĩa tốt đẹp. Nếu không kịp thời có giải pháp ứng phó thì hệ quả sẽ khó có thể lường hết, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, lễ hội truyền thống đã vượt ra khỏi lũy tre làng, được đông đảo du khách thập phương biết đến.
Cam kết về giải pháp khắc phục, ông Lăng Xuân Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tĩnh, Trưởng BQL di tích, Trưởng BTC lễ hội cho biết, xã sẽ bố trí, tăng cường lực lượng để bảo đảm an toàn trong lễ hội, tránh cảnh tượng hỗn loạn. Đối với nghi thức cướp chiếu, sẽ tăng cường thêm lực lượng công an bảo vệ từ vòng ngoài và không để du khách thập phương vào trong như năm trước.
Đối với công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu địa phương và BTC lễ hội cam kết về giải pháp, phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội. “Không ai có thể khẳng định trước được điều gì. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu cũng tương tự như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), nếu để xảy ra sự cố gây tai nạn thì lỗi trước tiên thuộc về BTC và chính quyền địa phương…”, bà Hương nói.
Đối chiếu với hồ sơ gốc tích cũng như tính chất, quy mô của lễ hội từ xa xưa, Cục trưởng chỉ rõ, lễ hội chọi trâu Hải Lựu ngày nay đã có nhiều thay đổi và nếu không siết chặt biện pháp quản lý thì khó có thể khẳng định lễ hội sẽ diễn ra an toàn, hoặc không bị thương mại hóa. Trước đây, lễ hội chỉ có vài cặp trâu tham gia thi đấu nhưng nay có đến 32 trâu. Việc mổ trâu bán giá cao cũng cần được điều chỉnh, quản lý chặt chẽ.
“Mặc dù đến thời điểm này lễ hội chọi trâu Hải Lựu chưa xảy ra những sự cố mất an toàn, tuy nhiên với quy mô mở rộng, số lượng trâu chọi tăng, đề nghị chính quyền địa phương và BTC lễ hội đặc biệt chú ý đến các yếu tố nhằm đảm bảo an toàn. Hệ thống sân bãi, rào sới chọi, đường dẫn trâu vào- ra… đều cần được bố trí chặt chẽ, không thể sơ suất, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc…”, vẫn lời Cục trưởng.
Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, ngay trong hội nghị sáng nay 2.2, Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương chính thức cam kết trước lãnh đạo Bộ về những giải pháp khắc phục tiêu cực trong từng lễ hội. Đồng thời, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, công tác quản lý và tổ chức tại các địa phương.
Lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định): Nhiều phương án đảm bảo an toàn Tại cuộc họp báo về nội dung tổ chức lễ hội khai ấn Đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) diễn ra chiều qua 1.2 tại TP Nam Định, BTC lễ hội khẳng định, công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội văn minh, an toàn, đậm bản sắc văn hóa truyền thống đã được xây dựng chu đáo, sẵn sàng. Theo đó, nhiều phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, khắc phục những hiện tượng phản cảm như chen lấn, xô đẩy, ném tiền lên kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ… đã được xây dựng như trục nội dung cốt lõi. Thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 26.2 – 3.3.2018 (ngày 11- 16 tháng Giêng âm lịch). Các hoạt động chính bao gồm: lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 tháng Giêng; lễ rước nước, tế Cá vào 12 tháng Giêng; đêm 14 tháng Giêng (1.3.2018) tổ chức lễ khai ấn và bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương từ sáng ngày Rằm (2.3.2018). Ngoài ra, trong các ngày 26.2 – 3.3.2018 (ngày 11 - 16 tháng Giêng âm lịch) sẽ diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần. UBND TP Nam Định đã thành lập Ban tổ chức với 4 tiểu ban: Nghi lễ, Tuyên truyền, An ninh trật tự, Hậu cần. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng 40 vạn cánh ấn được các cụ Tổ từ đền chuẩn bị nhằm đáp ứng nhu cầu xin ấn lộc đầu năm của nhân dân và du khách thập phương. Số ấn này tương đương với lượng ấn đã phát ra trong mùa lễ hội 2017. Ngân Anh |