Gia nhập thị trường Việt Nam, H&M cùng Zara thổi bùng cơn sốt thời trang nhanh

Những thương hiệu fast fashion (thời trang nhanh) thế giới đang tận hưởng thành quả tại một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Song, sự hân hoan này đang khiến các thương hiệu Việt cùng phân khúc nóng ruột.

Không chỉ là mốt

Thừa nhận mình có gu thời trang theo trào lưu, Đỗ Thuỳ Linh, 26 tuổi, nhân viên phòng PR của Công ty Le Bros mỗi tháng chi khoảng 6 triệu đồng để mua quần áo, chưa kể son phấn, nước hoa. Hai thương hiệu dành cho số đông H&M, Zara và một chút đồ thiết kế cao cấp của Việt Nam như Rập Thiết kế, Magonn Design, Up to Seconds, LIBÉ… là những tên tuổi lọt vào tầm mua sắm của Linh.

“Tôi dõi theo những fashionista (những người có gu thời trang tốt, cập nhật xu hướng và dễ ứng dụng), thấy họ mặc phong cách gì là tôi muốn có ngay. Xu hướng của H&M, Zara khá phù hợp với tôi vì thiết kế đơn giản và hầu như không hở hang”, Linh nói.

Sự đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ với các thương hiệu fast fashion đang dẫn đường cho nhiều thương hiệu ngoại đổ bộ thị trường Việt Nam.
Sự đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ với các thương hiệu fast fashion đang dẫn đường cho nhiều thương hiệu ngoại đổ bộ thị trường Việt Nam.

Nhiều người có chung sở thích như Linh khiến buổi khai trương của H&M ở TP.HCM ngày 9/9 vừa qua như thỏi nam châm hút cả nghìn khách. Sức nóng lên cao khi H&M giảm giá tới 20% toàn bộ mẫu mới nhất của mùa.

Còn chàng thanh niên 9X Lê Thái Sơn, đang kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực và giải trí lại tiết lộ là fan (người hâm mộ) của Zara. “30% trong tủ đồ của tôi là thương hiệu Zara và có cả H&M”, Sơn nói. 

Số đồ trên được Sơn thu thập qua các lần đi nước ngoài hoặc đặt mua trực tiếp. “Nếu có dịp công tác ở TP.HCM, tôi sẽ ghé qua H&M và Zara”, Sơn nói khi được hỏi về sự có mặt của các thương hiệu này tại TP.HCM.

Từng du học ở Thuỵ Sĩ, đã đi nhiều nước trên thế giới, Sơn rất thích việc các thương hiệu uy tín và nổi tiếng trong mọi lĩnh vực tham gia vào thị trường Việt Nam và được hào hứng đón nhận. 

“Có như thế mới huých các thương hiệu Việt Nam cùng phân khúc đang còn e dè sẵn sàng đầu tư mạnh hơn cả về sản phẩm lẫn truyền thông”, Sơn nói.

Với những người trẻ đã đi làm như Linh và Sơn, giá của H&M, Zara khá hợp lý. Cũng có lý do vì các thương hiệu này vào Việt Nam trực tiếp, không qua bên nhượng quyền thứ ba. Điều quan trọng, các thương hiệu này thực sự khôn ngoan trong việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Cảm giác của khách hàng khi bước vào các cửa hàng này là đôi chút hoa mắt vì nhiều mẫu mã na ná giống nhau cả về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng.

“Có thể đây là ý đồ của họ. Một người vào cửa hàng nếu bỏ qua sản phẩm nào đó vẫn có thể tìm được sản phẩm tương tự trong dãy kế tiếp. Hoặc nếu sản phẩm khách hàng cần hết size hay hết mẫu thì vẫn có mẫu tương tự để họ buộc phải mở ví”, Sơn nhận định.

Sự hâm mộ của Sơn với Zara còn vì ông chủ của thương hiệu thời trang bình dân với những chiến lược “vi diệu”. Sơn để ý, cứ có mẫu sản phẩm nào của các thương hiệu trên thế giới được nhiều người thích, nhiều người mua, ngay lập tức họ sẽ tạo ra  sản phẩm gần giống và bán với giá rẻ hơn cho phân khúc thấp. Đặc biệt, Zara ít khi có hàng tồn vì mỗi mùa họ khống chế  số lượng vừa đủ để bán. Thương hiệu này tạo ra hiệu ứng, khách hàng hoặc mua ngay sản phẩm mình thích hoặc không bao giờ mua được nữa.

Mỗi tháng, Sơn đang chi từ 30% - 50% thu nhập để mua sắm thời trang. Với các sản phẩm thương hiệu Zara hoặc H&M, chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là có thể mua được nhiều đồ. Tuy nhiên, Sơn cũng “hay sờ” đến các thương hiệu cao cấp như Gucci, Off white, Givenchy, Saint Laurent cho các bộ cánh vào dịp đặc biệt. “Những thương hiệu cao cấp thường xuyên tạo ra những sản phẩm theo xu hướng phù hợp với phong cách ăn mặc, độ tuổi. Có thể chỉ khoảng 5-7 năm nữa, tôi sẽ ít sử dụng những sản phẩm của các thương hiệu kiểu fast fashion như Zara hay H&M”, Sơn nói.

Hiện nay, giới trẻ Việt Nam chi khá mạnh tay cho thời trang và giải trí. Họ quan tâm đến thời trang, trào lưu nhiều hơn. Bởi vậy, dù H&M, Zara không phải là thương hiệu có cá tính hay màu sắc riêng bởi mục tiêu đánh vào số đông, nhưng giá rẻ - chất liệu tốt - mẫu mã liên tục thay đổi - phù hợp với nhiều nhu cầu sẽ thu hút đông đảo giới trẻ tiêu dùng Việt Nam.

Hiệu ứng fast fashion

Thuật ngữ thời trang nhanh hay còn gọi là thời trang… ăn liền được dùng để ám chỉ dòng quần áo bình dân, được sản xuất hàng loạt với giá tầm trung. Nguyên tắc cơ bản của dòng thời trang này là sản xuất quần áo với giá tầm trung dựa trên các thiết kế trên sàn catwalk và bán càng nhanh càng tốt để đáp ứng được xu hướng thời trang mới nhất. Điều này đồng nghĩa với sản xuất nhanh, giao hàng nhanh và tốc độ mua nhanh.

Nguyên tắc cơ bản của dòng thời trang nhanh là sản xuất quần áo với giá tầm trung dựa trên các thiết kế trên sàn catwalk và bán càng nhanh càng tốt.

Mô hình này đã được phát triển vào cuối những năm 1990, trong đó Zara đã đi đầu cuộc cách mạng này, theo sau đó là các nhà bán lẻ danh tiếng khác bao gồm H&M và Topshop. Hiện tại, các thương hiệu tiêu biểu đang đeo đuổi và thành công với xu hướng này còn có Uniqlo, Forever 21, Mango…

Thị trường Việt Nam từ lâu đã được coi là mảnh đất màu mỡ, phồn thịnh trong mắt mọi “ông lớn” ngoại quốc. Zara, H&M và cả Uniqlo lăm le “vươn vòi” sang thị trường này đã lâu. Sau màn chốt hạ ấn tượng của Zara và H&M chắc sẽ là quyết định của Uniqlo, dù vẫn đang thăm dò thị trường.

Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á đã không giấu nổi vui mừng khi các sản phẩm của H&M được đón nhận nồng hậu.

“H&M xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng và đây là thời điểm tốt nhất để chúng tôi đưa Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của đại gia đình H&M toàn cầu”, ông Fredrik Famm nói.

Sự đón nhận và ủng hộ nồng nhiệt của các khách hàng Việt Nam chắc chắn giúp H&M và Zara thêm tự tin rằng, những giá trị gia tăng mà họ mang đến cho khách hàng thông qua thời trang, chất lượng, giá cả và sự phát triển bền vững để trở thành điểm đến thời trang số 1 tại Việt Nam. 

Sở hữu rất nhiều dòng thời trang khác nhau, từ những dòng cơ bản được ưa chuộng bất kể thời gian cho đến những mẫu thiết kế thời thượng nhất cũng như các bộ sưu tập cao cấp như Studio, BST kết hợp cùng nhà thiết kế đang giúp các thương hiệu làm nên xu hướng fast fashion đáp ứng các nhu cầu về thời trang khác nhau của các nhóm khách hàng khác nhau

“Bạn sẽ luôn tìm được một món đồ nào đó dành cho mình trong cửa hiệu của chúng tôi”, ông Fredrik Famm khẳng định.

Phải nói thêm, khi mong muốn tạo dựng phong cách thời trang cá nhân thay thế nhu cầu ăn chắc mặc bền lan tới Việt Nam sau một thời gian dài kinh tế phát triển ổn định, chi phối các quyết định mua sắm của giới trẻ thì sự lên hương của fast fashion là tất yếu.

Ở trong nước, một số thương hiệu thời trang trong nước, điển hình như Canifa đã có được những bước tiến nhất định trong xu hướng này và được giới trẻ bắt đầu quan tâm. So với các thương hiệu danh tiếng của thế giới trong phân khúc này, Canifa và các doanh nghiệp Việt có lợi thế về giá cả, do sản xuất trong nước, các khâu thiết kế - sản xuất - vận chuyển được rút ngắn cả thời gian và chi phí. Mới đây nhất, Canifa cũng tung ra một số bộ sưu tập khá chất, cũng giống kiểu Uniqlo, dù chưa tới được “chất” như Uniqlo.

“Thiết kế và chất liệu của Canifa đang được cải tiến dần, đây là tín hiệu mừng, nhưng thú thực tôi vẫn khá cân nhắc khi bước chân vào, dù họ có những đợt giảm giá tới 50-60%. Nếu được lựa chọn, tôi thích các thương hiệu bình dân của nước ngoài nhiều hơn”, Đỗ Thuỳ Linh thừa nhận.

Không ai biết chắc chắn  thời trang sẽ như thế nào trong vài năm tới, nhưng lựa chọn của khách hàng sẽ quyết định thị phần của các thương hiệu. Vào thời điểm này, sự có mặt của các sản phẩm thời trang nhanh nước ngoài với nhiều hình thức quảng cáo và mẫu mã mới hơn đang buộc các thương hiệu Việt phải quyết liệt hơn với các chiến lược đầu tư của mình.

“Chúng tôi cũng mong muốn dần xây dựng một tương lai bền vững hơn cho thời trang Việt Nam thông qua các chương trình, hoạt động phát triển bền vững mà khách hàng hoàn toàn có thể dễ dàng tham gia và đóng góp cùng”, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á chia sẻ.

Rất có thể sự biến hóa khôn lường của các thương hiệu fast fashion thế giới sẽ kích các thương hiệu Việt bứt phá…

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ