Chủ tịch Egroup - gương mặt mới tại Shark Tank Việt Nam

Tuy mới xuất hiện như một "cá mập" tại Shark Tank Việt Nam - ông chủ Egroup Nguyễn Ngọc Thủy - đã trở thành "nhân tố lạ" với nhiều người quan tâm đến khởi nghiệp. Shark Tank được phát sóng định kỳ vào 11h10 thứ bảy hàng tuần trên VTV3.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ về thương vụ đầu tư ngay trong lần đầu góp mặt chương trình này.

Thưa ông, sau thương vụ có giá trị lên đến 15 tỷ trên sóng truyền hình vừa rồi, có lúc nào ông bình tâm nghĩ lại và cảm thấy mình hơi "liều lĩnh" trong cú đầu tư vào Soya Garden không?

Đầu tư nói chung luôn luôn có rủi ro, đặc biệt là đầu tư vào startups. Tuy nhiên, khi mình đầu tư vào cái gì mà mình hiểu rõ cả điểm mạnh - điểm yếu và có giải pháp cho điểm yếu ấy thì mình tự tin thôi.

Ở đây, tôi có giải pháp để quản trị được rủi ro của Soya Garden nên có thể nói không có yếu tố "liều lĩnh". Đây không phải là cảm xúc tức thời mà là có sự tính toán. Soya Garden có yếu tố thị trường tốt, yếu tố sản phẩm tiềm năng, hướng đi mới với sự kết hợp cả không gian trải nghiệm sản phẩm - đó chính là lằn ranh nhỏ tạo nên sự khác biệt.

Trong hệ sinh thái hiện tại của Egroup, tôi phát triển cả mảng giáo dục cùng với chăm sóc sức khỏe - làm đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống từ làm đẹp tự nhiên và sử dụng thực phẩm hữu cơ…. Vừa hay, Soya Garden chính là mảnh ghép phù hợp với định hướng ấy.

Ngoài ra, tôi từng có trải nghiệm xây dựng chuỗi kinh doanh với quy mô đầu tư và hoạt động đều lớn hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi có thể hình dung các nhà sáng lập trẻ này sẽ đối mặt với những thách thức nào trong tương lai.

Có chi tiết là startup đã không nhớ nổi lợi nhuận của tháng vừa rồi, và cả 4 "cá mập" đều lắc đầu từ chối thương vụ này, vậy điều gì đã khiến ông mạo hiểm "ngược chiều" quan điểm với các nhà đầu tư còn lại?

Chi tiết các nhà sáng lập không thể nhớ được doanh thu và lợi nhuận có thể nói là lỗi rất "kỵ" ở một startup. Nhưng đó là điều có thể thông cảm được. Điều tôi thích ở hai bạn ấy là "một chút ngây thơ vừa đủ", tức biết là có khó khăn, rủi ro nhưng có cơ hội thì vẫn muốn dấn thân, muốn chinh phục.

"Ngây thơ vừa đủ" ở đây còn ở chỗ "biết thì nói biết, không biết thì nói không biết". Ví dụ, bạn Anh Tuấn trước ống kính truyền hình với hàng triệu khán giả đang theo dõi - thay vì "phịa" ra cho nhà đầu tư một câu trả lời đại khái hoặc gần đúng nào đó - vẫn thành thực bảo "em không nhớ lợi nhuận tháng vừa rồi".

Ở ngay chính khoảnh khắc ấy nếu chúng ta đánh giá theo tư duy logic thì startup mà không nhớ nổi lợi nhuận là rất khó chấp nhận! Nhưng nếu nhìn về mặt con người thì đó chính là người có tinh thần học hỏi, dám thừa nhận cái không biết của mình. Đó còn là sự dũng cảm và trung thực rất đáng trân trọng.

Trong đầu tư vào startups mỗi người có một chính kiến riêng. Tôi đã cân nhắc kỹ, cả những phân tích của các "cá mập" khác. Nếu tất cả mọi người đều thấy dự án hay thì chắc "chả đến lượt mình" hoặc là mình phải mua giá đắt!

Trong khoản đầu tư 15 tỷ đồng vào Soya Garden, có 4 tỷ đồng là tiền mặt, tương đương 45% cổ phần và 11 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp, đây phải chăng là một lộ trình rót vốn nhằm giảm thiểu rủi ro cho "cá mập"?

Nói nôm na, trái phiếu trơn là một khoản nợ thuần túy với lãi suất cố định, bất chấp doanh nghiệp lãi - lỗ thế nào cũng phải trả nợ đúng hạn. Còn trái phiếu chuyển đổi thực ra không khác cổ phiếu nhiều lắm. Trái chủ có thể chọn chuyển đổi hoặc không chuyển đổi lượng trái phiếu này thành cổ phiếu trong tương lai theo một số điều kiện thỏa thuận với nhà sáng lập.

Theo định giá của tôi, với một doanh nghiệp hầu như chưa có lợi nhuận trong lúc đang mở rộng như vậy, thì giá trị doanh nghiệp sẽ vào khoảng từ 1 đến 1,5 lần doanh thu. Nếu lấy mức trung bình là 1,3 lần, và với doanh thu 7 tỷ đồng hiện nay thì Soya Garden có giá trị khoảng 9 tỷ đồng.

Do đó, tôi quyết định đưa ra đề nghị rót 4 tỷ đồng, tức sẽ tương đương 45% cổ phần tại đây. Ngoài ra, tôi sẽ rót 11 tỷ đồng cho Soya Garden bằng trái phiếu chuyển đổi - tức cho vay. Sau một giai đoạn khoảng 2 đến 3 năm - nếu công ty phát triển tốt như cam kết KPI thì phần trái phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu.

Khoản chuyển đổi này bản chất là win-win, khi công ty thành công sẽ giúp cho các founders vẫn giữ được tỷ lệ cổ phần đủ lớn, còn nhà đầu tư giữ được khoảng an toàn lúc này. Bởi trái phiếu nghĩa là một khoản nợ - tức nhà sáng lập có áp lực phải thực hiện bằng được các cam kết đã hứa với cổ đông. Khoản đầu tư kiểu này khiến cho cả nhà đầu tư và người sáng lập doanh nghiệp đều phải nỗ lực đóng góp hết mình cho startup.

Tại Shark Tank ông cũng từng nói "thích con người thông qua trực cảm", ông có để chút "trực cảm" nào tham gia vào các thương lượng với startups tại Shark Tank hay không?

Tất nhiên là có chứ. Nhưng khái niệm "trực cảm" theo quan điểm của tôi không phải là để cảm xúc tham gia vào quyết định kinh doanh. Khi đầu tư vào startups nghĩa là chủ yếu đầu tư vào con người. Con người khác với những tài sản như bất động sản, thiết bị, máy móc…

Vì vậy, không thể dùng tư duy định lượng để đánh giá, thay vào đó phải là các phân tích định tính về người sáng lập, là phải nghĩ xem con người ấy có tầm nhìn không, có tin cậy được không, có đủ nhiệt huyết không, có khát vọng đủ lớn không, có kiên trì đến cùng không.

Tóm lại, khi đầu tư tài chính vào một doanh nghiệp nào đó thì nhà đầu tư chủ yếu phân tích các chỉ số tài chính. Còn đầu tư khởi nghiệp thì cần phân tích tiềm năng nhiều hơn.

Tin cùng loại

Thương hiệu nổi tiếng Quốc gia

Tin khuyến mãi

TỶ GIÁ