Không những được biết đến như người tiên phong nuôi tiên cầm (vịt trời), ông Tiệp còn truyền kinh nghiệm cho những hộ nông dân khác có nhu cầu nuôi. Mong muốn của ông là làm sao giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo bền vững từ giống thiên cầm này.
Về thăm trang trại vịt trời (hay gọi là thiên cầm) của ông Lê Văn Tiệp (xóm Tự, xã Đông Tân, Tp.Thanh Hóa) mới thấy được hiệu quả mà con vịt trời mang lại cho người nuôi hàng năm không hề nhỏ.
Không những cung ứng thịt, trứng cho hệ thống các nhà hàng lớn nhỏ trong Tp.Thanh Hóa, ông còn xuất ra thị trường tỉnh ngoài. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Quan trọng là quyết tâm, chịu khó
“Vịt trời nuôi không khó, quan trọng là quyết tâm, chịu khó. Vì nhu cầu vịt ăn thịt và trứng không đủ xuất ra, nên tôi có ý định sẽ mở rộng thêm diện tích chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho những người có đam mê, yêu thích như mình để cùng nhau vượt khó, thoát nghèo”, ông Tiệp tâm sự.
Từ vùng đất hoang hóa ven sông, năm 1985 ông Tiệp mạnh dạn nhận thầu với diện tích 4.000m2 đất. Lúc đầu, vợ chồng ông bỏ bao công sức và số tiền dành dụm ít ỏi để cải tạo làm mô hình cá - lúa kết hợp nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ. Ông nổi tiếng ở địa phương bởi sự chăm chỉ, chất phác, không ngại khó ngại khổ.
Tiêm phòng cho đàn vịt mới nở
Sau bao nhiêu năm làm trang trại, đến năm 2014, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông tiếp cận và nhận ra rằng con vịt trời đang có thị trường rộng mở, trong khi ở khu vực quanh thành phố mới chỉ rất ít người nuôi và nhu cầu của các nhà hàng là vô cùng lớn.
Nghĩ là làm, ông Tiệp quyết định bỏ ra số vốn lớn hơn để nuôi giống vịt trời. Ban đầu, ông lần theo địa chỉ trên truyền hình, tìm đến tận nơi trang trại nuôi vịt trời ở tận Bắc Giang để tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi.
Chăm sóc đàn vịt thương phẩm
300 triệu đồng lãi mỗi năm
Nhận thấy vịt trời là giống mới, dễ nuôi, khả năng chống dịch bệnh tốt, chất lượng thịt và trứng đều thơm ngon, giá thành bán ra cao, ông quyết định mua 70 con vịt hậu bị, với giá 500.000 đồng/con để làm giống và 1.000 con vịt con 10 ngày tuổi, với tổng giá trị 145 triệu đồng. Đó là số vốn lớn mà bao năm vất vả vợ chồng ông tích góp được.
Chuồng trại nuôi giống vịt trời này xây dựng khá đơn giản, chỉ yêu cầu luôn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để bảo đảm điều kiện sống cho vịt. Đặc biệt, từ khi trứng nở ra tới lúc xuất bán, khâu tiêm phòng dịch luôn được ông chú trọng, đây cũng được xem là khâu quan trọng nhất trong chăn nuôi. Vịt con sau 5 - 7 ngày nở sẽ được ông tiêm phòng dịch tả, sau 20 ngày tiêm phòng H5N1.
Vịt trời không khó nuôi, lại cho lãi cao
Thức ăn cho vịt lúc mới nở chủ yếu là cám, sau 1 tháng thì chuyển qua ăn lúa, ăn ngô và cho ra khu ruộng lúa trong trang trại để vịt có thể tự kiếm mồi. Đó cũng là cách làm cho vịt chắc thịt hơn, thơm ngon hơn. Sau gần 4 tháng nuôi thả vịt, có thể được xuất bán ra thị trường với giá dao động 120.000 - 200.000 đồng/con, tùy từng thời điểm.
Hiện tại, trang trại của ông có khoảng 200 con vịt đẻ trứng. Nguồn trứng này chủ yếu để ấp lấy vịt con quay vòng tái đàn và khoảng 5.000 con vịt thương phẩm cùng vịt con với nhiều lứa khác nhau để duy trì nguồn hàng cho các đầu mối nhập vịt.
Vịt bán để thịt không những được bán trong tỉnh, mà còn khắp nơi, từ Ninh Bình, Huế, Quảng Bình… đến tận Kiên Giang. Từ tiền bán vịt, trừ đi mọi chi phí, hàng năm, gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Không những được biết đến như người tiên phong nuôi con vịt trời, ông Tiệp còn truyền kinh nghiệm cho những hộ nông dân khác có nhu cầu nuôi. Đã có nhiều người thử nuôi quy mô nhỏ và đã thành công với giống vịt này.
Mong muốn của ông là làm sao giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo bền vững từ giống thiên cầm này.