Đây được xem lần sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay, với việc trong năm 2018, Hà Nội sẽ tinh giảm hơn 7.400 biên chế công chức, viên chức.
Bộ phận nào sẽ phải ‘cắt giảm’?
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2018, với kế hoạch giảm 7.415 biên chế.
Theo Sở Nội vụ để thực hiện mục tiêu giảm biên chế và sử dụng có hiệu quả quỹ biên chế được giao, thành phố đã đề xuất một số giải pháp căn bản. Trong đó, tiếp tục hoàn thành sắp xếp các cơ quan đơn vị như: Đội Thanh tra xây dựng; Các chi cục thuộc Sở NN&PT; Trung tâm Điều hành và giám sát công nghệ thông tin thành phố…
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, y tế sang cơ chế tự chủ; thực hiện chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần…
Trước mắt, về biện pháp cắt giảm biên chế, Hà Nội điều chuyển biên chế ở một số sở ngành như: Điều chuyển 6 biên chế công chức từ Sở Tư pháp sang Văn phòng UBND TP để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính; điều chuyển 3 biên chế công chức từ Sở Tài chính sang Sở TN-MT để thực hiện nhiệm vụ về xác định giá đất; Bổ sung 5 biên chế cho Thanh tra Sở Xây dựng để tăng cường lực lượng…
Đối với các quận, huyện trước mắt đối với UBND quận Cầu Giấy và UBND quận Long Biên chỉ thực hiện giảm 1% biên chế, do 2 quận có số biên chế được giao thấp nhất trong 30 quận, huyện, thị xã, trong khi khối lượng công việc triển khai lớn. Ngoài ra, thành phố cũng bổ sung 6 biên chế vào dự phòng do điều chỉnh tinh gọn biên chế cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo GPMB để chờ sắp xếp.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, hiện Sở này đang xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị” trong khu vực các quận. Trong đó, một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải.., nhằm mục đích vừa giảm thủ tục hành chính, vừa tinh giảm cán bộ, công chức. “Mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội giảm ít nhất 10% biên chế hành chính, sự nghiệp, công chức và người làm việc hưởng lương, phụ cấp ngân sách tại xã phường, thị trấn”, vị cán bộ cho biết.
Theo vị này, thời gian tới sẽ tập trung chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế… Đối với các hội đặc thù, thực hiện lộ trình giảm dần biên chế viên chức khi có người nghỉ hưu, chuyển sang định suất lao động (ngân sách nhà nước hỗ trợ).
Tinh giảm chủ yếu là đối tượng đến tuổi nghỉ hưu!
Trưởng Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội), Nguyễn Hoài Nam cho biết, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã giảm được 8.217 biên chế viên chức (tương đương 6,25%, theo lộ trình 3 năm phải giảm 5%). Đối với tinh giản biên chế viên chức, chủ yếu do sắp xếp bộ máy và giảm do đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, theo ông Nam, qua kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017 cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại như: Việc tinh giản biên chế triển khai còn chậm; đối tượng tinh giản biên chế vẫn chủ yếu là công chức, viên chức đến tuổi nghỉ hưu.
Tại nhiều sở ngành như: Sở NN&PTNT, VHa&TT, Thanh tra xây dựng, Thanh tra Giao thông..., mặc dù HĐND TP đã giao UBND TP nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục việc lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức tại một số đơn vị hành chính sử dụng viên chức sự nghiệp. Một số đơn vị sở, ngành thành phố, UBND quận, huyện sử dụng biên chế còn vượt so với chỉ tiêu giao. Một số cơ quan đơn vị vẫn tự ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn…
Theo đánh giá của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TP Hà Nội trong đợt khảo sát vừa qua tại 5 "siêu" Ban quản lý dự án đầu tư xây đựng công trình (QLDA) chuyên ngành của Hà Nội, dù có gần 1.000 cán bộ viên chức và lao động hợp đồng nhưng sau gần 8 tháng kể từ ngày thành lập và được cơ cấu tổ chức, bộ máy, giao nhiệm vụ cụ thể nhưng các Ban này vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó có việc đông cán bộ, đông nhân viên nhưng công việc chưa “trôi”.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một số Ban QLDA cho rằng, việc sáp nhập bộ máy tổ chức, con người từ nhiều cơ quan khác nhau mang tính cơ học nên sẽ rất đông cán bộ, nhân viên: “Các ban sẽ phải tiếp tục cơ cấu lại bộ máy nhân sự cho hợp lý theo tinh thần tinh giảm. Nhưng theo tôi vấn đề không phải là đông cán bộ mà quan trọng công việc phải trôi, phải rõ người rõ việc”, một vị cán bộ nói.
Bàn về giải pháp, Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội), đề nghị đối với các sở, ngành, đơn vị nào tăng nhiệm vụ do thành phổ giao thì điều chỉnh tăng biên chế hoặc không cắt giảm. Ngược lại, đơn vị nào sau kiện toàn, rà soát chuyển đổi chức năng hoặc do ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức làm việc thì phải cắt giảm thêm.
Riêng đối với các quận, huyện mới được thành lập, đang có tốc độ đô thị hóa nhanh thì không thực hiện cắt giảm biên chế. Ngược lại những quận nội đô đã ổn định phát triển có thể xem xét cắt giảm thêm.
Năm 2017, Hà Nội đã sắp xếp giảm được 46/204 phòng với tỳ lệ giảm 22,5%; Về bộ máy lãnh đạo giảm 17/82 Phó Giám đốc Sở; giảm 26/182 Trưởng phòng; 116/517 Phó trường phòng. Giảm 70 Ban QLDA xuống còn 41 Ban …